Bệnh vô cảm – cái chết từ trong tâm hồn
Bệnh vô cảm là biểu hiện của trạng thái tinh thần, sự trơ lì cảm xúc, thờ ơ mà ở đó con người không nảy sinh cảm xúc, rung động con tim với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình khiến con người hành xử tàn nhẫn, vô tình.
Bệnh vô cảm và giết người liệu có khác nhau?
1. Hiện trạng
Chúng ta sẽ không thấy gì là ngạc nhiên khi ra đường chứng kiến cảnh mọi người xúm lại mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên đường. Hàng chục người vây quanh vụ tai nạn mà chỉ đứng chỉ trỏ, bàn tán thậm chí là quay video lại mà không hề gọi xe cứu thương, cơ quan chức năng hay sơ cứu.
Chính sự vô cảm, mặc kệ, sợ trách nhiệm, ngại bị liên lụy, bị vạ lây nên mọi người bỏ mặc sự cầu cứu giúp đỡ, bỏ qua sinh mạng của con người.
Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh.
Họ sẵn sàng rút điện thoại ra quay phim, chụp ảnh khi chứng kiến bất kỳ một vụ đánh ghen vợ chồng bồ bịch, đánh nhau gây gổ giữa các bạn học sinh hay những vụ xô xát, chửi bới ẩu đả để ghi lại được những bức hình chân thực, đoạn video rõ nét nhất để tung lên mạng câu view.
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tóm lại, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, luôn sống theo lý trí sắt đá của mình, hơn nữa do ngoại cảnh tác động họ không còn lòng tin vào điều tốt nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này.
Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người tài đức vẹn toàn, ấy vậy mà hiện nay rất nhiều nhà trường chỉ chú trọng việc nhồi nhét tri thức mà bỏ ngỏ dạy đạo đức nhân cách con người.
Chính những điều này đã tạo khoảng cách giữa con người, là mầm bệnh vô cảm, tha hóa nhân cách con người.
3.Tác hại
Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy đất nước đến bờ tụt hậu, suy thoái.
Sự vô cảm còn được thể hiện rõ nhất ở thời điểm hiện tại khi mạng xã hội ngày càng phát triển, người ta có thể “ ném đá” bóc phốt không thương tiếc bất cứ ai. Chính những lời nói xúc phạm của một bộ phận cư dân mạng đã “gián tiếp”gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh vô cảm có thể dẫn đến chết người, để lại tai họa lớn cho xã hội. Bệnh vô cảm có thể dẫn đến đất nước suy vong.
4.Giải pháp
Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những người đạo đức, đồng cảm trong xã hội
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau
“Nơi lạnh nhất không phải là bắc cực mà là nơi không có tình thương”
Sống trong cùng một xã hội, cùng một dân tộc, chúng ta phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau có như vậy mới phát triển được. Đừng để căn bệnh vô cảm trở thành căn bệnh thế kỷ đe dọa cuộc sống loài người.
Categories: Đời sống • Gia đình • Giáo dục • Sức khỏe • Sức khỏe trẻ • Tin tức