Cách người Nhật kiếm hàng tỷ đô với thùng rác

Như vậy có thể thấy, bằng cách phân loại rác cẩn thận, không những người Nhật đã góp phần làm cho đất nước sạch hơn mà còn giúp phân phối lại tài nguyên trong xã hội.

thung-rac-tai-nhat-ban

Bạn Trần Diệu Huyền, một sinh viên Việt Nam sống ở Nhật đã được 1 năm, mới đây có chia sẻ câu chuyện như sau: “Hôm nay đi đổ rác mới thấy ở bức tường cạnh khu đổ rác có hướng dẫn đổ rác bằng tiếng Việt với nội dung: “Người Việt Nam hãy học cách phân loại rác cho đúng. Rác cháy bao gồm đồ ăn dư thừa, các loại giấy thậm chí các loại bình đựng phải được để riêng. Rác không cháy được bao gồm các vật dụng gia đình như đồ bếp, xoong nồi, chảo, đồ dùng bằng kim loại hỏng hóc, pin đã qua sử dụng, chai lọ thủy tinh, kim loại… Các bạn hãy học cách tuân thủ đúng các quy định của nước Nhật. Nếu hành vi không phân loại rác còn tiếp diễn, các bạn sẽ bị phạt.”

Khi câu chuyện trên được lan tỏa trên mạng xã hội, rất nhiều người đã tỏ rõ thái độ bức xúc, còn người Việt Nam ở Nhật thì cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Hiện nay tại Nhật có những cộng đồng người nước ngoài lớn nhất bao gồm Trung Quốc (677.571), Hàn Quốc (456.917), Philippines (237.103), Brazil (176.284) và Việt Nam (175.744). Vậy tại sao không có thông báo hướng dẫn đổ rác bằng các thứ tiếng kia mà chỉ duy nhất có hướng dẫn bằng tiếng Việt, phải chăng chỉ người Việt Nam ra nước ngoài không biết đổ rác?

Và đáng tiếc những hướng dẫn kiểu như thế cứ ngày một nhiều hơn trên đất Nhật, nhiều người Việt ở Nhật cảm thấy rất ngượng khi gặp người Nhật hay người nước khác, vì tin tốt đâu chẳng thấy, chỉ thấy quá nhiều tin người Việt ăn cắp, đánh nhau và đến giờ là không biết cả… đổ rác.

Tác giả bài viết từng có dịp đến thăm một số trường cấp 2 ở Nhật. Và chắc chắn nếu nhìn vào cách các em phân loại rác, nhiều người Việt Nam thậm chí sẽ cảm thấy vô cùng hổ thẹn vì họ chưa chắc đã bằng trẻ con Nhật ở khía cạnh này. Bữa trưa của học sinh cấp 2 ở Nhật bao gồm: một món cơm, một món thịt/cá, một bát canh và một hộp sữa.

Ngay từ trong khi ăn, học sinh Nhật đã có ý thức tiết kiệm nên tất cả các em đều cố gắng hoàn thành hết phần cơm trưa của mình, dọn sạch đĩa và không em nào bỏ dở thức ăn. Thế nên khi ăn xong cũng không có chút thức ăn thừa nào phải đổ vào thùng rác.

Ăn xong, các em để riêng ống hút vào một chỗ, sau đó bóc vỏ hộp sữa ra, mang đi rửa dưới vòi nước cho thật sạch, rồi cất vào chỗ quy định cho khô để mang đi tái chế. Các em không phải rửa bát đĩa, nhưng bát đĩa cũng được vét lại một lượt thật sạch trước khi xếp vào đúng chỗ quy định để nhân viên của nhà trường rửa.

Có thể thấy, ngay từ khi là những đứa trẻ thì người Nhật đã dạy cho con em họ cách xử lý rác rất văn minh. Sau đó, các em cùng nhau quét và lau dọn thật sạch lớp học để bắt đầu buổi học chiều.

Số liệu từ Waste Atlas cho thấy, mỗi năm trung bình một người Nhật thải ra tới 356,2 kg rác. Dân số Nhật hiện ước khoảng 127 triệu người, toàn nước Nhật mỗi năm sẽ có thải ra khoảng 45 triệu tấn rác, tức là cao thứ 8 trên thế giới. Vậy nên, người Nhật chỉ có cách đốt rác. Và để giúp cho hoạt động xử lý rác hiệu quả và tiết kiệm tối đa nhân lực, tài chính, mỗi người dân đã cùng chung tay giúp cho nước Nhật sạch sẽ hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, quy định về vứt rác còn khắt khe và chặt chẽ hơn câu chuyện ở trường học nói trên nhiều lần.

Nhật Bản không phải là đất nước mà bạn muốn vứt rác lúc nào thì vứt. Ví như ở khu vực ngoại thành Tokyo nơi tác giả bài viết đang sinh sống, rác cháy chỉ có thể được phép vứt vào ngày thứ Ba, trước 12h trưa. Rác không cháy vứt vào ngày thứ Năm.

Chính bởi quy định trên nên có những rác thực phẩm dễ bốc mùi nhiều khi phải để trong nhà đến cả tuần mới được vứt. Để ngăn mùi thối bốc ra, buộc phải cho chúng vào túi nilong cực kín và để chỗ riêng.

Với các hộp đựng thức ăn, bạn phải rửa sạch trước khi cho vào túi đựng rác. Hộp nhựa để riêng. Hộp bìa các tông phải tháo ra, xếp ngay ngắn rồi buộc gọn. Hộp có đựng đồ ăn phải được rửa sạch.

Chai nước phải gỡ nắp bỏ riêng, bóc nhãn cho vào chỗ rác cháy rồi bọc tất cả các chai nhựa vào một túi. Chai thủy tinh cũng được cho riêng vào một túi sau khi bóc hết nhãn.

Nói tóm lại, mỗi người dân đã đảm nhận được phần nào công việc phân loại rác phục vụ cho các mục đích tiêu hủy hoặc tái chế.

Ở một số khu vực còn có các quy định phức tạp hơn, đó là rác cháy phải đựng vào túi đỏ, rác không đốt cháy đựng vào túi màu xanh dương. Giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng túi màu trắng. Giấy vụn, bìa các tông không được vứt vào ngày trời mua.

Đối với các đồ vật to như tivi, tủ lạnh, máy giặt, nếu muốn vứt phải liên hệ với công ty xử lý rác thải nơi bạn đang sinh sống, không được phép bỏ vào khu rác rồi… mặc kệ nó như ở Việt Nam. Nếu bạn làm như vậy, người ta sẽ điều tra ra tận nơi rằng ai đã để đồ ở đó và bạn phải chịu phạt. Phí vứt các loại rác kiểu thế này sẽ dao động từ 1.600 yên đến 5.000 yên, ước khoảng từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng Việt Nam.

Người Nhật tuân thủ cực kỳ chặt chẽ các quy định về phân loại về xử lý rác như vậy, vì thế sẽ không ngạc nhiên khi mà họ sẽ cảm thấy rất khó chịu với những người nước ngoài không làm đúng quy định. Có khi rác sẽ được mang vứt trả lại ở cửa nhà người vi phạm như hình thức cảnh cáo.

Mỗi gia đình sẽ được phát từ đầu năm lịch vứt từng loại rác rất chi tiết. Có những loại rác phải chờ đến cả năm mới được vứt theo lịch. Tùy từng khu vực có những khu vực quy định vứt rác theo túi đúng màu, người dân sẽ phải tự mua túi đó trong siêu thị với giá rất rẻ.

Chính cách ứng xử của người Nhật với rác như trên và tính cách tiết kiệm, ngoài các lợi ích như giúp Nhật trở thành nước sạch nhất thế giới. Sạch đến nỗi mà nhiều người nói đùa nhau rằng “sờ xuống mặt đường” cũng không có một hạt bụi. Nhờ đó, người Nhật còn tạo ra ngành trao đổi và kinh doanh đồ cũ lên đến cả tỷ USD mỗi năm như chúng tôi đã từng đề cập đến trong chùm bài viết gần đây (xem thêm: Nghề kinh doanh đồ secondhand trị giá hàng tỷ đô ở Nhật Bản).

Hãy thử lấy một ví dụ: Một người nước ngoài đến Nhật trong vài năm, chắc chắn người đó sẽ phải sắm sửa đầy đủ tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, máy giặt, lò nướng, bàn là, máy sấy tóc… đủ tất cả các vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Theo nguyên tắc của tất cả các chủ cho thuê nhà ở Nhật, khi chuyển nhà đi, anh phải dọn dẹp sạch sẽ hết, thậm chí đến “không còn cọng tóc”.

Chủ cho thuê nhà trước khi nhận lại nhà sẽ kiểm tra kỹ từng mảnh gỗ lát sàn xem có hỏng hóc không, từng cái tay nắm cửa, đến vòi nước. Vì tiền vứt các thiết bị lớn tốn như vậy nên người ta sẽ có 3 lựa chọn trước khi trả nhà: 1.Gọi người đến cho đồ miễn phí; 2.Bán lại đồ cho các cửa hàng đồ cũ; 3.Liên hệ để vứt đi và phải trả phí rất cao.

Lựa chọn cuối cùng dù đơn giản nhất nhưng cũng tốn kém nhất, chính vì thế các diễn đàn cho hoặc bán rẻ lại đồ cũ ở Nhật phát triển bùng nổ.

Với những người điều kiện kinh tế chưa được tốt, họ có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền. Thuê chuyến xe vận chuyển đến nơi mang đồ về chỉ mất khoảng vài triệu đồng (đã quy đổi tiền Việt) tùy khoảng cách mà có đủ cả giường tủ bàn ghế, nhiều khi trả thêm chút tiền lại có thêm cả tivi, lò vi sóng vẫn dùng được khá tốt.

Còn nếu không muốn cho không, người đó có thể ra cửa hàng đồ cũ liên hệ để bán lại đồ. Tất nhiên công ty sẽ thẩm định đồ và trả rất rẻ. Thế nhưng như vậy vẫn còn hơn rất nhiều so với phải trả số tiền rất cao chỉ để vứt đi.

Như vậy có thể thấy, bằng cách phân loại rác cẩn thận, không những người Nhật đã góp phần làm cho đất nước sạch hơn mà còn giúp phân phối lại tài nguyên trong xã hội, mang đồ của người chán đến cho người cần và tạo ra được ngành kinh doanh tỷ USD mang lại nhiều nguồn lợi cho đất nước.

Các loại thùng rác Paloca thông dụng:

  • Thùng rác inox
  • Báo giá thùng rác nhựa
  • Giá thùng rác 60 lít
  • Thùng rác 120l
  • Thùng rác nhựa 240 lít
  • Giá thùng rác 660 lít

Categories: Tin tức

CÔNG TY CỔ PHẦN TM & DV HÀNH TINH XANH TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 524 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 024 7307 5955
CHI NHÁNH PHÍA NAM
Địa chỉ: 167/2 đường Bờ Bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Tel: 028 7307 5955