Xây dựng mô hình đại học xanh tại Việt Nam
Ở Việt Nam, khái niệm đại học xanh vẫn còn khá mới mẻ trong nhận thức của nhiều người. Tuy nhiên, trên thế giới khái niệm này đã xuất hiện vào năm 1990, khi lãnh đạo của 22 trường đại học hàng đầu thế giới họp tại Pháp và cùng nhau ký vào bản “Tuyên ngôn Talloires” với nội dung cốt lõi: giáo dục đại học vì phát triển bền vững.
Theo đó, đại học xanh cần hội tụ được các tiêu chí:
Có chương trình giáo dục, đào tạo xanh. Trong chương trình giáo dục, đào tạo thì quan điểm về phát triển bền vững phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các môn học, hình thức hoạt động, sinh hoạt, quá trình đào tạo. Triết lý đào tạo phải gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững, “xanh hóa” nội dung đào tạo. Việc giảng dạy, học tập luôn hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Có cơ sở vật chất, không gian xanh. Đại học xanh cần có một khuôn viên xanh, sạch với các công trình được xây dựng theo nguyên lý “kiến trúc xanh”, tận dụng hiệu quả năng lượng ánh sáng mặt trời, gió, nước mưa và ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió hay năng lượng mặt trời với các loại đèn chiếu sáng (dạng đèn Led) nhằm tiết kiệm tối đa điện năng. Xây dựng, hiện đại hóa các phương pháp xử lý môi trường, tái sinh chất thải.
Xây dựng được mối quan hệ “xanh” giữa con người với cộng đồng; với thiên nhiên và môi trường sống xung quanh. Việc điều hành và quản lý của trường đại học phải trên quan điểm phát triển bền vững mà trung tâm là hội đồng đại học xanh nhằm xây dựng một phong cách làm việc, giao tiếp, sinh hoạt thấm đậm ý thức văn hóa “xanh”. Tham gia tích cực vào việc phát triển bền vững trong cộng đồng như: khuyến khích phát triển hệ thống di chuyển xanh, đưa việc áp dụng các tiêu chuẩn hạ tầng cơ sở xanh ngoài ranh giới của trường…
Từ những năm 1980, những hoạt động nghiên cứu, ứng dụng liên quan đến phát triển bền vững, “xanh hóa” các trường đại học đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, do sự hạn chế về không gian, không dễ đáp ứng được đầy đủ yêu cầu “xanh” về cơ sở vật chất, một bộ phận không nhỏ cán bộ, giảng viên, sinh viên vẫn còn nhận thức tương đối hạn chế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường… Song, hướng đến xây dựng đại học xanh thân thiện với môi trường không phải là việc ngoài tầm tay. Đặc biệt, đối với các trường xây mới, thì phương hướng nói trên là cơ hội để đi tắt đón đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, việc trước tiên, chúng ta cần xây dựng mô hình đại học xanh gắn với điều kiện cụ thể. Song song với việc xây dựng mô hình cần gắn chặt với các hệ tiêu chí “xanh”, lấy phát triển bền vững, thân thiện với môi trường là nguyên lý trung tâm. Ví dụ: tiêu chí về cơ sở vật chất, không gian trường đại học: phải đảm bảo tính bền vững – tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Tiêu chí về mặt quản lý hành chính: lãnh đạo nhà trường phải chỉ đạo tất cả nguồn lực sao cho các nguyên tắc về phát triển bền vững được lồng ghép trong mọi mắt xích. Tiêu chí về chương trình giáo dục: tất cả các khoa, bộ môn phải lồng ghép nội dung giáo dục phát triển bền vững trong chương trình giảng dạy của mình; đưa các nội dung về phát triển bền vững thành môn học bắt buộc cho tất cả các sinh viên, theo các ngành học khác nhau. Tiêu chí về trách nhiệm của các thành viên: Mỗi thành viên của trường phải nhận thức đúng về môi trường và hành động thích hợp. Phát triển bền vững phải được lồng ghép trong mọi hoạt động, ở mọi lĩnh vực, bao gồm hành chính, sư phạm, nghiên cứu và đời sống hàng ngày.
Đại học xanh là hình mẫu tiêu biểu của thế kỷ XXI, đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội trước những đòi hỏi về phát triển bền vững trong một thế giới không ngừng biến đổi. Điều đó đòi hỏi những thay đổi trong quan điểm, cách nhìn nhận của các trường đại học, các nhà quản lý giáo dục, đối với hệ thống giáo dục đại học của nước nhà vốn còn nhiều khiếm khuyết. Vậy nên, hướng tới xây dựng đại học xanh thân thiện với môi trường là hướng đi đúng, một sự cần thiết cho phát triển bền vững nền giáo dục đại học Việt Nam.
Categories: Tin tức