Chỉ tái chế không thôi là chưa đủ
Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những gánh nặng đè lên môi trường sống. Có tính toán cho thấy số rác nhựa thải ra hằng năm đủ nối dài 4 vòng quanh trái đất. Thậm chí còn tệ hơn nữa khi có báo cáo chỉ ra rằng hơn một nửa số đồ nhựa được sử dụng một lần duy nhất trước khi bị quăng bỏ.
Để kìm hãm đà phát triển của nạn ô nhiễm rác nhựa, thành phố San Francisco đã thực hiện một bước tiên phong khi trở thành thành phố đầu tiên ở Hoa Kỳ cấm hẳn việc kinh doanh mặt hàng chai đựng nước bằng nhựa.
Động thái này là một thành công của phong trào trên toàn cầu kêu gọi giảm thiểu số lượng rác thải chai nhựa trị giá hàng tỷ đô la từ ngành công nghiệp đang hủy hoại môi trường này.
Lệnh cấm này sẽ đi vào hiệu lực từng phần trong vòng 04 năm tới đối với lĩnh vực kinh doanh các chai nhựa dùng đựng nước uống, có trọng lượng từ 21 ounce (khoảng 28,3 gram) trở xuống ở nơi công cộng. Luật này có một ngoại lệ khi không áp dụng đối với loại chai đựng một số chất đặc biệt.
Chiến dịch Think Outside the Bottle – tạm dịch là Tìm giải pháp khác ngoài chai nước, là một nỗ lực cấp quốc gia nhằm khuyến khích việc cấm sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường; đang là nguồn vận động chính cho đạo luật này.
Mặc dù nỗ lực này của thành phố San Francisco ít quyết liệt hơn hẳn so với lệnh cấm không sử dụng chai nhựa hoàn toàn ở 14 công viên quốc gia và một số trường đại học ở vùng Concord – bang Massachusetts; nhưng điều này cũng cho thấy rõ rằng thành phố này đang đi đúng hướng.
Mức phạt hành chánh đối với người vi phạm quy định này là 1,000 đô la. Số tiền này lẽ dĩ nhiên sẽ được dùng vào các chương trình khuyến khích người dân sử dụng chai thủy tinh có thể tái sử dụng được.
Lệnh cấm này là một bước tiến khác hướng tới mục tiêu không rác thải, Đó là phát biểu của Joshua Arce, chủ tịch Uỷ Ban Môi trường. Hàng thập kỷ vừa qua chúng ta đã tổ chức thành công các sự kiện tập thể lớn mà không cần tới chai nhựa, lẽ dĩ nhiên chúng ta cũng sẽ làm tốt điều này trong những năm tiếp theo.
Đây không hẳn là lần đầu tiên thành phố này ra sức ngăn chặn việc ô nhiễm rác thải nhựa, khi mà trong quá khứ, San Francisco đã từng cấm sử dụng túi nhựa và các hộp xốp.
Thành phố hướng tới mục tiêu trước năm 2020 sẽ không còn bất cứ miếng rác thải nào đổ ra bãi rác, trong khi tỷ lệ này hiện nay mới đạt được khoảng 80%.
Phản ứng trước lệnh cấm này của chính quyền thành phố, hiệp hội nước giải khát Mỹ bao gồm những tên tuổi lớn như Coca-Cola hay Pepsi đã cho rằng đây chỉ đơn giản là một giải pháp để tạo ra một rắc rối khác. Đây là nỗ lực đi chệch hướng của giới chức trách khi cố giảm lượng rác thải tái chế của thành phố.
San Francisco có lẽ đang là thành phố có thể tái chế nhiều rác thải hơn các thành phố khác, tuy nhiên ô nhiễm do rác thải nhựa vẫn phải cần bị chặn đứng. Có lẽ chỉ trong tương lai gần thôi, các thành phố khác cũng sẽ học hỏi từ người tiên phong này để xóa sổ hoàn toàn rác thải nhựa.
B2S
Categories: Tin tức