Văn hóa làng ở phố

Người làng xã có nếp sống văn hóa của làng xã. Người phố phường có nếp sống văn hóa của phố phường, nhưng điều gì xảy ra khi mà làng xã bỗng dưng biến thành… phố phường? Và điều gì xảy ra khi dòng người từ nông thôn ùn ùn đổ ra thành phố?

van-hoa-lang-o-thanh-pho

“Hiện đại hóa” hay “thành thị hóa”?

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhiều làng, xã phút chốc bỗng “nâng đời” thành phố thị đang phổ biến. Những con đường vươn dài tới tận thôn, làng, kéo theo nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí mọc lên như nấm. Thay cho những ngôi nhà tranh vách đất là các khu cao tầng, nhà cửa kiên cố, tiện nghi “đến tận răng”. Người quê bỗng trở thành thị dân lúc nào chẳng hay.

Không thể phủ nhận, đô thị hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhưng, trong khi cơn lốc đô thị hóa như vũ bão, thì việc chuẩn bị về lối sống còn chưa tương xứng, dẫn đến sự khập khễnh. Sự nhầm lẫn giữa “hiện đại hóa” với “thành thị   hóa” nông thôn, dẫn đến bản sắc văn hóa làng quê bị biến dạng dữ dội.

Kiến trúc truyền thống làng quê là điều đầu tiên bị phá vỡ, trong khi việc kế tục xứng đáng lại chưa sẵn sàng, đang là thực tế ở nhiều “phố làng”. Mấy năm gần đây, khi việc mở rộng Hà Nội được thông qua, việc mua bán đất ở nhiều địa bàn thuộc Hà Tây (cũ) trở nên tấp nập. Những ngôi làng đơn sơ, xinh xắn nằm nép mình bên vách núi thơ mộng của bà con các dân tộc nhanh chóng bị thay thế bằng những ngôi làng hiện đại, những ngôi biệt thự to lớn của những người đến mua đất. Việc quy hoạch tùy tiện, những ý thích quái gở càng khiến những vùng đất sơn thủy hữu tình, yên bình thành nham nhở.

Trong trào lưu hiện đại, làng cổ Đường Lâm cũng bị mai một dấu tích của một ngôi làng cổ đá ong mà vì nó, làng mới trở nên nổi tiếng. Bà con ở đây giờ xây nhà bằng gạch nung, với đủ kiểu tây, tàu xen kẽ. Làng Mông Phụ dường như chả còn ai theo nghề đào đá ong nữa. Cũng không còn những khóm tre, hay con ngõ đất sỏi đá ong lóng lánh, từng là một phần lịch sử của ngôi làng cổ.

Tương tự thế, vẻ đẹp sâu lắng bình yên của ngôi làng gốm ở Bát Tràng giờ cũng lùi vào dĩ vãng. Những quầy hàng san sát mọc thành phố trong làng. Nhiều ngõ nhỏ “li ti” như phố cổ Hà Nội. Cái hồn cốt của làng là gốm, sản phẩm từng được triều đình phong kiến chọn để cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh, giờ bị chìm trong sự phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng của đủ loại gốm nhập về từ Trung Quốc.

Làng lụa Vạn Phúc vốn nổi danh, giờ đã như đô thị với những khu phố bán hàng sầm uất. Tiếng thoi đưa lách cách thuở nào giờ đã trôi vào ký ức, khi các khung dệt công nghiệp đang lấn át. Những tòa nhà cao tầng hiện đại ở Đông Ngạc, Cự Đà cũng đang khiến các ngôi làng cổ này dần chìm vào dĩ vãng.

Hình ảnh quen thuộc của các làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, lũy tre làng thực sự bị biến dạng khi những ngôi nhà hiện đại với kiến trúc ta chẳng ra ta, tây chẳng ra tây, màu sắc lòe loẹt, mọc lên giữa làng. Nếp nhà truyền thống 5 gian vốn rất thích hợp với khí hậu nhiệt đới, từng là niềm tự hào của một thời, giờ bị xóa bỏ không thương tiếc.

Làng quê nào cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà bê tông và dù đất rộng mênh mông, người ta vẫn cứ đua nhau dựng nhà cao tầng, thay thế những ngôi nhà mái cọ mát mẻ vốn phù hợp với cả khí hậu lẫn văn hóa địa phương. Môi trường sinh thái ở thôn quê cũng đang bước dần đến sự ngột ngạt của phố thị.

Một nét văn hóa của làng quê là chiếc cổng làng cũng đang dần biến mất. 150 cổng làng ở Hà Tây (cũ) giờ cũng chỉ còn khoảng 90 chiếc, trong đó, nhiều chiếc bị quét vôi, làm mới tùy tiện. Nguy cơ không tìm đâu ra những nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ đã nhỡn tiền. Chả thế, vài năm trước, họa sĩ Quách Đông Phương phải vội về nhiều làng quê để ghi lại hình ảnh những chiếc cổng làng cũ kỹ, kẻo mai này không biết chụp ở đâu. Vì giá trị văn hóa ấy, bộ ảnh “Cổng làng” của anh đã đươc Đại sứ quán Pháp tài trợ triển lãm.

Những giá trị truyền thống bị lung lay

Đang sống cuộc đời chân lấm tay bùn, đùng một cái, người nông dân có được khoản tiền kếch xù từ đền bù, hoặc bán đất, khiến nhiều người nông dân (vốn có trình độ hạn chế), thực sự mất thăng bằng. Thu nhập biến đổi, nhiều người không làm chủ được, đã lao vào lối sống hưởng thụ. Sự tiếp nhận quá nhanh và thiếu chọn lọc một số thành tựu văn hóa từ đô thị đã làm biến đổi, thậm chí triệt tiêu những giá trị truyền thống lâu đời của văn hóa làng xã. Sự hỗn tạp của dân tứ xứ dĩ nhiên làm phôi pha tính chất thuần nông của văn hóa làng quê. Quan hệ xã hội và cả quan hệ tình cảm gia đình cũng bị lung lay bởi những thước đo mới.

Trong khi lớp trẻ bắt quá nhanh với nhịp sống hiện đại, thì người già lại cố giữ nguyên tính cách, văn hóa làng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách, thậm chí, xung đột trong gia đình, dòng họ. Nhiều chuẩn mực bị đảo lộn và dễ dàng nhận thấy sự đổ vỡ nền tảng văn hóa thôn quê trong môi trường đô thị. Con cháu thiếu tôn trọng ông bà, cha mẹ đã không còn là hiếm gặp. Mới đây, dân cư ở phường Đ chưa hết xôn xao vì vụ cô H tát mẹ chồng, lại phải quan tâm về việc anh B khám bố vợ đến chơi, vì sợ bố mang đồ của nhà mình về.

Nhưng thế cũng chưa thấm gì với những vụ án chồng giết vợ, con giết cha những năm gần đây, cho thấy đạo đức gia đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Vụ án Đỗ Văn Tiến (xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội), 16 tuổi, lười học, lại chơi khuya nên bị bố mắng chửi, đã dùng dao đâm chết bố, còn chưa kịp nguôi, đã đến vụ án giết cha của học sinh Nghiêm Viết Thành (TP Hải Dương) cũng bởi lý do tương tự, đã làm nhức nhối dư luận. Cũng do mâu thuẫn gia đình, vợ và 3 con anh Bùi Văn Hải (Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai) đã hùa nhau giết chết chồng và cha.

“Sốc hưởng thụ”

Thiếu nền tảng văn hóa cần thiết, trong khi lại vội vã “nhập cuộc” lối sống hiện đại, nhiều thanh niên đã bị “sốc hưởng thụ”, trở nên hư hỏng. Để phục vụ nhu cầu của các “thiếu gia trọc phú”, các “phố làng” nhan nhản quán cắt tóc gội đầu, karaoke trá hình. Cờ bạc, ma túy cũng nhan nhản kèm theo trộm cắp, cướp giật, càng xáo trộn các vùng quê vốn yên ả.

Để có tiền hưởng thụ dài lâu, nhiều kẻ trở thành trộm cắp lúc nào chẳng hay. Mới đây thôi, Công an huyện Thạch Thất triệt phá được nhóm trộm cắp xe máy, 6 tên đều là dân nghiện hút, đã phần nào cho thấy sự thật đau lòng đang len lỏi về làng quê. Chuyện trước đây, tối đi ngủ không cần đóng cửa, con ga,â con lợn lạc đâu, hàng xóm lại giúp đưa về, thực sự đã lùi vào quá vãng, vì giờ đây, cứ sơ sểnh là mất. Thế là càng cửa đóng then cài, càng đề cao cảnh giác. Không còn những “cái dậu mồng tơi xanh rờn” nữa, mà là những bức tường kiên cố với những con chó dữ canh nhà làm nên khoảng cách tình người nơi “phố làng”.

Những ngôi nhà kín cổng cao tường đã khép lại mối quan hệ tình làng nghĩa xóm vốn là các giá trị cộng đồng ở làng quê. Cảnh “đèn nhà ai nhà nấy rạng” vốn xa lạ ở làng quê, giờ len vào cuộc sống mới, tồn tại hiển nhiên. Chỉ một chút lợi ích cỏn con cũng là mầm mống của sự mất đoàn kết. Tranh chấp đất đai nổi lên nhức nhối ở nhiều nơi khi “tấc đất tấc vàng” với đúng nghĩa đen.

Bước đi hối hả đã làm mất đi nhiều nét bản sắc của làng quê. Các trò chơi truyền thống, lễ hội không còn đậm nét văn hóa xưa cũ, mà mang nặng tính thương mại, dịch vụ. Hội làng nào cũng thấy cờ bạc, đeo bám và “chặt chém” du khách…

Khi văn hóa làng xã “tiến” vào đô thị

Đô thị hóa đòi hỏi con người cũng phải chuyển động song hành, tức là, đúng ra, họ phải có một lối sống, cách ứng xử văn hóa khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn mà họ đã trải qua. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa như vũ bão, còn những người nông dân lại không theo kịp lối sống mới, nên dẫu đã là thị dân, mà cách ứng xử của văn hóa làng vẫn rơi rớt, thậm chí còn nguyên. Chính điều này đã tác động ngược trở lại, ảnh hưởng xấu đến văn minh đô thị.

Cái tư duy làng xã chỉ thấy một chút lợi, lại có nhiều người làm là cũng làm theo, đã phá hỏng một số lễ hội như: Lễ hội hoa anh đào và Lễ hội hoa Hà Nội. Nhiều người lao vào bẻ cành, cướp hoa mang về, đã gây phản cảm với tính văn hóa của những lễ hội này. Khi số đông lại coi việc phá hoại của người khác là một thú vui, đã cho thấy những giá trị văn hóa đang bị đảo lộn. Vài năm trước, một đơn vị đã dâng giỗ Tổ vua Hùng chiếc bánh dày nặng 1,8 tấn. Nhưng, khi đang trên đường đến nơi dâng hương, chiếc bánh đã bị hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau để… giằng xé và chỉ chừng một tiếng là chiếc bánh kỷ lục đã không còn dấu vết. Chỉ có thể giải thích việc làm trên là sự vô văn hóa, vì thời buổi này, không có ai đói đến mức tranh cướp một vật phẩm đã được làm rất trang trọng với ý nghĩa tôn nghiêm như vậy.

Văn hóa làng xã còn thể hiện rất rõ trong giao thông. Quen “đường ta, ta cứ đi” ở làng quê vắng vẻ, nhiều người cũng giữ tư duy đó trên phố phường Hà Nội. Cứ thấy tiện lợi cho bản thân là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Đáng buồn khi hiện tượng này phổ biến đến mức, không ở tuyến phố nào không gặp.

Con đường Mỹ Đình được chia 2 làn rõ to, nhưng sáng sáng, cả đoàn người xe đạp lẫn xe máy, vẫn “hồn nhiên” đi lên làn ngược chiều để vào trung tâm Hà Nội, bất chấp sự an toàn tính mạng cho chính mình và người đi đường. Không chỉ những người trẻ tuổi, mà có cả nhiều người lớn tuổi cũng thản nhiên đi vào đường ngược chiều như một sự “tất nhiên”. Đang đèn đỏ, những người đứng sau vẫn rú còi inh ỏi để “buộc” người đứng chờ phía trước phải đi. Nhiều người đứng chờ đèn đỏ còn bị người khác chửi là “dở hơi, ngố, thộn” v.v…

Tại ngã tư Láng Hạ – Láng dịp gần tết, một đoàn xe ôtô tắc nghẽn dài gần 1km, chỉ vì các phương tiện cứ hùa theo nhau đi, bất kể đèn đỏ cũng như cảnh sát giao thông điều khiển. Tính thiếu tự giác, thiếu tự trọng và cả thiếu tự tin khiến nhiều người chỉ chấp hành luật giao thông khi thấy bóng cảnh sát, nhưng nhiều khi, có cảnh sát giao thông đứng ở ngã tư, thì dù đèn xanh đã sáng, vẫn đứng ì vì… sợ!

Chuyện xả rác bừa bãi trên đường, hè phố, công viên v.v… cũng như một tệ nạn nhức nhối mà Hà Nội đặc biệt quan tâm trước dịp Đại lễ 1000 năm. Bởi rất nhiều người thiếu ý thức đến mức, xả rác bất cứ chỗ nào, dù bên đường phố luôn có các thùng đựng rác giá rẻ ở nơi công cộng. Không ít người còn vứt rác dưới… chân thùng đựng rác công cộng. Việc chen lấn, không xếp hàng cũng dễ dàng bắt gặp ở các trạm xăng, khu vực gửi xe, hay những nơi bán hàng đông đúc v.v… Tính duy tình vốn là nét văn hóa làng xã điển hình, cũng làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nhiều vi phạm, sai phạm không được xử lý đến nơi đến chốn, mà xuê xoa như người nhà, là nguyên nhân tái lặp những vi phạm, sai phạm trong cuộc sống.

Mang nguyên văn hóa ứng xử ở quê “bê” vào đời sống đô thị, đã tạo nên sự lệch pha, không chỉ khiến người khác khó chịu, mà thậm chí, có thể gây hậu quả đau lòng. Vụ cháy chung cư cao tầng mới đây ở Hà Nội là một minh chứng: có người từ quê lên sinh sống, vẫn thường xuyên bấm còi báo cháy để… dỗ trẻ ăn bột, còn ai đó đã vứt cả vật chưa cháy hết vào phòng chứa rác. Chính cách sống tùy tiện, thiếu ý thức cộng đồng là nguyên nhân làm nên tai nạn đau lòng với 2 sinh linh thiệt mạng.

Giá trị nhân văn bị coi nhẹ

Lý giải những vấn đề văn minh đô thị đang được xã hội quan tâm hiện nay, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Trưởng khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng: “Ở Hà Nội, chất nông thôn tồn tại khép kín trong một thời gian khá dài. Khi mở cửa, chất nông thôn đi vào đô thị nhiều hơn chất quốc tế. Khi Hà Nội mở rộng ba lần thì chất nông thôn cũng tăng lên. Kéo theo đó, chất thanh lịch của Hà Nội cũng giảm xuống. Đó là một sự thật không thể làm ngơ”.

Các chuyên gia cũng kiến giải, đây là hệ quả tất yếu của việc coi trọng vật chất mà quên đi chú trọng yếu tố giáo dục tinh thần và văn hóa trong thời đô thị hóa. Điều này dễ dàng lý giải khi kinh tế được ưu tiên phát triển dữ dội thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại bị xem nhẹ. Những lý giải này, hy vọng sẽ tạo được sự chú ý của những người có trách nhiệm.

(Theo kinhtedothi.vn  )

Categories: Môi trườngTin tứcVệ sinh công nghiệp

CÔNG TY CỔ PHẦN TM & DV HÀNH TINH XANH TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 524 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 024 7307 5955
CHI NHÁNH PHÍA NAM
Địa chỉ: 167/2 đường Bờ Bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Tel: 028 7307 5955