Sài Gòn vẫn còn đâu đó sống trong biển rác
Sài Gòn với một thuở mệnh danh hòn ngọc viễn đông, một thuở mà ông Lý Quang Diệu đã từng mơ một ngày nào đó sẽ biến quốc đảo Singapore thành một Sài Gòn khác.
Thế rồi câu chuyện về Sài Gòn hoa lệ cũng nhanh chóng đi vào quá khứ, thay vào đó là một Sài Gòn chằng chịt đường dây điện, nhà cửa chồng chất lên nhau, những con đường kẹt xe luôn cho cảm giác Sài Gòn là một tổ mối quá tải và khi mùa mưa đến, những con đường lại hóa thành sông đen chảy ngược chảy xuôi, mang theo rác rưởi và mùi hôi thối tiến thẳng vào nhà dân. Nỗi khủng hoảng về rác ở Sài Gòn đã lên mức báo động đỏ.
Một cư dân Sài Gòn tên Thủy, chia sẻ với chúng tôi về nỗi quan ngại của chị trước cảnh Sài Gòn ngày càng phì đại những con đường rác: “Nhìn chung thì thành phố bây giờ cũng tương đối khá hơn nhưng khủng hoảng nhất vẫn là những chiếc xe chở rác của các công ty môi trường. Họ cứ mở nguyên cả một hộc rác sau đuôi xe, chạy từ đầu đường đến cuối phố, để lại mùi hôi thối thật là kinh khủng…”
Nhiều con đường Sài Gòn trở thành nơi tập trung của rác vào những chiều cuối tuần. Tuy đã có những qui định về việc không vứt rác bừa bãi nhưng hầu như gười dân cứ vứt rác thoải mái, nơi nào cảm thấy tiện tay thì vứt, miễn sao không vứt vào nhà, ngõ và cửa nhà mình là được.
Và hệ quả của việc này là Sài Gòn dần trở nên phức tạp, mất hẳn vẻ hào hoa và diễm lệ một thuở. Thay vào đó là một Sài Gòn đầy rác xã hội. Ở khái niệm rác xã hội, bà Thủy cho rằng đó là những thứ rác tâm hồn. Khi con người trở nên khô cằn bởi đời sống cạnh tranh khốc liệt, thiếu tình người, cộng với sự hoài nghi, tệ nạn trộm cắp cũng như nạn tham nhũng có tính hệ thống đã phát triển đến độ “phát tiết” thành loại rác hằng ngày, biểu hiện qua những bịch rác mà người ta ném một cách vô tội vạ, vô tâm và vô văn hóa.
Là một người từng du học ở Nhật, bà Thủy cho rằng người Sài Gòn, chỉ riêng việc ứng xử về rác, đến ba trăm năm sau cũng chưa chắc sánh kịp người Nhật Bản. Bởi với người Nhật, các thùng rác luôn có ba lổ để phân loại rác công nghiệp, rác thô và rác phi công nghiệp. Trong lúc du học, bà học được của người Nhật thái độ yêu quí những người lao động nghèo. Trong đó có cả việc súc thật sạch các vỏ chai, bóp thật kĩ các vỏ lon cho gọn gẽ và phân loại từng thứ rác riêng trước khi bỏ vào thùng rác.
Hành vi phân loại tỉ mỉ từng loại rác không chỉ cho thấy trách nhiệm của mỗi người sau khi sử dụng một loại sản phẩm nào đó và thải những thứ phế bỏ vào xã hội, tự nhiên mà nó còn cho thấy tính sâu sắc, suy nghĩ đứng đắn của con người ở đây. Người ta không hô hào theo kiểu hãy bảo vệ, thương yêu và chia sẻ với người nghèo bằng miệng lưỡi đãi bôi mà người ta ý thức được trong từng chi tiết hành động nhằm đảm bảo người nghèo, người lao động bậc thấp không bị tổn thương. Rửa sạch vỏ chai, vỏ lon trước khi phân loại và bỏ vào thùng rác theo thứ tự từng loại là một hành vi thể hiện lòng yêu thương, nễ trọng và bình đẳng giữa con người với con người.
Còn với Sài Gòn hiện tại, người ta vứt rác vô tội vạ, chỉ cần thấy chỗ nào có thể vứt được là vứt. Đương nhiên vẫn có nhiều người ý thức và trăn trở về chuyện rác Sài Gòn. Nhưng rất tiếc con số này rất nhỏ. Con số vô tâm, vứt rác bừa bãi lại chiếm rất đông, thậm chí có người ngồi trên xe hơi mang biển số đẹp, xe hơi khủng ngang nhiên vứt rác xuống đường và họ xem thành phố giống như một bãi rác không bờ bến, muốn vứt thì cứ vứt, chẳng cần phải suy nghĩ!
Chính những nếp nghĩ hết sức ấu trĩ này đã mang lại cho Sài Gòn một bầu khí quyển chứa toàn mùi rác. Đó là chưa nói đến kiểu làm việc đậm chất cơ chế và quan liêu của một số công ty vệ sinh môi trường đã dẫn đến tình trạng đùn đẩy rác, tranh chấp bãi đổ rác nhưng lại không nghĩ đến phương án xử lý rác. Vô hình trung, rác lại thành một thứ cơ hội để người ta đút lót, tham nhũng.
Categories: Tin tức