Hướng tới mục tiêu thành phố không rác thải
Một TP xanh là TP không có chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Lượng rác thải phát sinh cũng được phân loại đúng quy cách, giúp gia tăng lượng rác thải tái chế. Vậy TPHCM sẽ làm gì để đạt được mục tiêu trên?
Xử lý không theo kịp phát sinh
Trung bình mỗi ngày TPHCM phải thu gom khoảng 6.700 -7.200 tấn rác sinh hoạt. 80% tổng lượng chất thải đang phải xử lý bằng hình thức chôn lấp, tái chế rác thành phân compost hiếm hoi ở con số 20%, còn xử lý rác thành tái sinh năng lượng đạt tỷ lệ… 0%. Điều đáng nói là những tiềm ẩn, rủi ro về ô nhiễm môi trường phát sinh từ những bãi chôn lấp được xem là hợp vệ sinh cũng như những bãi chôn lấp rác trước đây chưa hợp vệ sinh là rất lớn.
Kết quả khảo sát do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện cho thấy, với những bãi chôn lấp được xem là hợp vệ sinh cũng không ngăn được hiện tượng rác bị phân hủy và phát thải ra môi trường các chất khí như CO2, CH4, H2S gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn tại những bãi rác Đông Thạnh, Gò Cát tuy đã đóng cửa, không tiếp nhận rác nhưng trong vòng bán kính 3km, đất và nguồn nước ngầm khu vực này đều có những dấu hiệu ô nhiễm. Và đây là một trong những khó khăn mà TPHCM đang phải đối mặt.
Thạc sĩ Lê Minh Tâm, Phòng Quản lý chất thải rắn TPHCM cho biết thêm, không chỉ lo với hiện trạng xử lý chất thải trên mà với những dự án xử lý chất thải đang triển khai cũng khó đảm bảo đưa vào hoạt động đúng tiến độ. Nguyên nhân là do vướng mắc trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hơn nữa, ngân sách có hạn và buộc phải tiết giảm trong hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu xử lý chất thải cũng khiến các dự án giẫm chân tại chỗ.
Riêng đối với công tác quản lý, tình trạng vừa thiếu vừa yếu về nhân lực đã hạn chế năng lực thanh – kiểm tra cũng như phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm môi trường từ hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Và hệ quả của vấn đề này là mục tiêu đến năm 2020, phải có 50% tổng lượng rác thải phát sinh được tái chế, 30% tái sinh thành năng lượng và 20% chôn lấp khó có khả năng đạt được.
Một vấn đề đáng lo khác là việc thu gom và lưu chứa chất thải rắn hầu như chưa được quan tâm tại những cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Phổ biến nhất là tình trạng các cơ sở thường áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn lạc hậu, chưa đảm bảo kỹ thuật và vệ sinh môi trường; chưa quan tâm đến việc đầu tư công nghệ để tái chế chất thải. Thậm chí, không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận đã sẵn sàng xả thải ra môi trường khi chưa xử lý. Điển hình nhất là bãi tập kết rác thải nguy hại tự phát tại phường Long Bình, quận 9. Tại đây có đến hàng ngàn tấn chất thải nguy hại chưa được xử lý.
Xem chất thải như tài nguyên
Đó là khái niệm khá mới mà Tiến sĩ Muhammad Abu Yusur, Viện Công nghệ châu Á, Thái Lan đưa ra. Để có thể tăng hiệu quả xử lý rác, cải thiện chất lượng môi trường ô nhiễm do rác gây ra thì phải thay đổi quan niệm cho rằng rác là thứ vứt đi. Ngược lại phải xem rác chính là nguồn tài nguyên. Từ đó, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích tái chế rác thải thành sản phẩm có lợi cho xã hội. Đại diện Công ty TetraPak Việt Nam khẳng định, đơn cử như vỏ hộp sữa, nếu được thu gom và tái chế thì hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm xanh là tấm lợp và thùng rác. Điều đáng nói là những sản phẩm được tái chế từ chất thải trên có chất lượng không thua kém gì những sản phẩm làm từ nguyên liệu truyền thống. Điển hình như tấm lợp tái chế từ vỏ hộp sữa có khả năng cách nhiệt, chống ồn và chống cháy. Việc sử dụng sản phẩm này không chỉ giúp giảm lượng chất thải phải chôn lấp, mà còn giúp người dân tiết kiệm đáng kể lượng năng lượng tiêu hao để sử dụng làm mát trong gia đình…
Để có thể thay đổi sự nhìn nhận về chất thải, Tiến sĩ Muhammad Abu Yusur nhấn mạnh thêm, trước hết phải bắt đầu từ hệ thống giáo dục. Cần dạy cho học sinh trong trường học về cách phân loại chất thải tại nguồn. Việc tuyên truyền cần cụ thể bằng cách triển khai dự án thí điểm thực tế với quy mô nhỏ trong các cộng đồng khác nhau. Từ đó, làm cơ sở giới thiệu và nhân rộng các kết quả thí điểm đạt được. Kế đến đẩy mạnh đầu tư triển khai dự án chuyển đổi rác thành năng lượng. Ưu điểm của giải pháp xử lý rác thải bằng công nghệ này là không chất thải, không chôn lấp và giảm phát thải nhà kính.
Thạc sĩ Lê Minh Tâm cho rằng, để có thể hướng tới mục tiêu thành phố không rác thải, TPHCM có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cấp bách nghiên cứu ban hành quy định quản lý, đơn giá khung, định mức tính đúng và tính đủ cho công tác vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị theo từng loại hình công nghệ; hướng dẫn chi tiết về giảm thiểu và phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn làm cơ sở triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn tại TPHCM. Không dừng lại ở đó, thành phố cũng cần ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu liên hợp xử lý chất thải, tiếp tục triển khai mở rộng chương trình thu phí vệ sinh trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cũng phải quy định cơ chế thí điểm áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm bằng phương tiện điện tử. Có như vậy mới ngày càng nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, góp phần hiệu quả trong hoạt động cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng tại TP.
Quý khách có nhu cầu mua thùng đựng rác chính hãng Paloca như: thùng rác nhựa giá rẻ, thùng rác công cộng giá rẻ, các loại thùng rác y tế,…Vui lòng liên hệ ngay với Hành Tinh Xanh qua số điện thoại 0981.228.766 – 0912.026.829 để nhận được báo giá và những tư vấn thiệt thực nhất về sản phẩm mà bạn ưng ý.
Categories: Tin tức