Một góc đường Sài Gòn
Tôi đã trở lại trạm chờ xe buýt đó để chụp một tấm hình, trong trường hợp miêu tả bằng lời của tôi không gợi được trí tưởng tượng của người đọc.
Đây là một đoạn vài chục mét ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Cách Mạng Tháng Tám. Trên hình có thể thấy lần lượt: một thùng rác công cộng màu xanh lá cây mới toanh, một gốc cây dầu cổ thụ, vỏ cây mốc thếch nứt nẻ, một trụ sắt sơn màu xanh dương cạnh một chàng trai trẻ, đó là trụ cắm bảng ghi các tuyến xe buýt dừng ở trạm này. Trụ xi măng cạnh đó là cột đèn đường, và cái trụ xanh lơ chống đỡ cái khung kiếng chữ nhật là cột điện thoại công cộng. Tiếp đến là hai gốc cây dầu nữa, một cây bị gắn tấm bảng to thông báo hay tuyên truyền gì đó, cuối cùng là cột đèn giao thông.
Chắc có người đang chau mày nghĩ xem câu đố núp ở chỗ nào. Ôi, có đố điếc gì đâu, tôi chỉ muốn ghi lại một góc đường Sài Gòn quen mà lạ, cũ mà mới.
Quen vì góc đường này tôi đi lại không biết bao nhiêu lần thuở còn là nữ sinh, rồi bẵng đi ba mươi mấy năm trời không có dịp đạp xe thong thả ngang qua ngắm trái dầu bay, bỗng dưng hôm nay tôi nhận ra mình đang đứng chờ xe buýt đúng cái chỗ mà ngày xưa có một người đứng chờ tôi đạp xe ngang qua để chạy theo! Những trụ đèn đường, điện thoại công cộng, trụ bảng xe buýt, kể cả cái thùng rác, đều là những vật mới bổ sung vào ba gốc cây dầu cũ kỹ ngày nào!
Cái thùng rác, căn cứ vào màu sơn tươi rói, hẳn là vật mới nhất, trông nó có vẻ tự hào chính đáng. Nếu nhìn hướng ngược lại, về phía Chợ Lớn, dài dài theo lề đường, cách quãng đều đặn, là những cái thùng rác công cộng xinh xắn tươi mới tương tự. Vụ này hẳn là nằm trong một chiến dịch chống xả rác của nhà nước. Trên xe buýt, tôi thấy có mấy sọt rác bằng giỏ nhựa để dưới gầm ghế và được cột dính vô chân ghế. Một hành khách xả miếng giấy gói kẹo xuống sàn xe bị mắng ngay “Không thấy giỏ rác hả?”. Tôi chứng kiến việc này thấy khoái lắm.
Bởi vì hồi tám tuổi (nhớ chính xác vì năm đó cha tôi đưa gia đình về Chợ Lớn sống, đến giỗ mới dắt về quê bằng xe đò) tôi vừa mới biết đọc, lên xe đò ngó thấy mấy tấm bảng có chữ là đọc vanh vách “Đừng thò tay ra ngoài”, “Đừng xả rác xuống đường”, đặc biệt khi sắp qua cầu Bình Lợi (hồi đó chưa có cầu Bình Triệu) lơ xe rảo một vòng như tiếp viên hàng không trước khi máy bay cất cánh, nhắc nhở ai có con nhỏ phải giữ, không cho thò tay thò đầu ra ngoài cửa sổ, và nhắc đi nhắc lại bà con bỏ rác xuống sàn xe, chứ đừng liệng ra ngoài, kẻo bị phạt nặng. Hai đầu cầu lúc đó đều có vọng gác. Khi xe đến bến, anh lơ thường phải quét rác trên xe, hốt ra một đống bã mía, lá chuối, gương sen, vỏ đậu phộng…
Mười mấy năm lại đây, xe hơi riêng và xe công các loại có máy lạnh dần dà phổ biến, ngó bộ sang trọng, nhưng người ngồi trên xe có rác, thậm chí đầu thuốc lá còn cháy, cứ quay kiếng xuống, liệng ra ngoài, nhân tiện khạc rồi nhổ phẹt ra ngoài một cái, xong quay kiếng lên. Tôi đi xe đò chất lượng cao bị tài xế rầy hoài vì không chịu liệng rác ra ngoài lúc xe đang chạy, mà bỏ rác trên xe làm dơ cái xe có bọc nhung lót thảm của ổng. Tôi muốn hỏi vậy sao ông không sắm cái giỏ rác để trên xe, mà thật tình không dám. Nay thấy xe buýt bình dân mà có giỏ rác trên xe không khoái sao được.
Lúc tôi cầm máy chụp hình cái góc đường kỷ niệm mối tình học trò này, một ông ngồi trên xe gắn máy ăn xong hộp cơm, liệng cái hộp vô chân hàng rào, rồi đưa tay xuống phẹc mơ tuya quần. Hành động trước của anh ta tôi còn hiểu được, vì tuy thùng rác cách chân anh không tới năm thước, nhưng phải đi vòng qua gốc cây để bỏ vô thùng, quả là mất công. Nhưng hành động sau thì tôi hết biết.
Nhớ năm ngoái, gặp lại bạn học cũ, cùng nhau đi dạo phố, vừa đi vừa ăn vặt như thời… con gái. Cầm miếng giấy gói bánh, tôi ngó dáo dác tìm thùng rác, bạn tôi cười: “Thấy mày làm vậy là biết mày ở nước ngoài mới về”. Tôi giận hết sức. Không phải khoe khoang gì, nhưng cái giáo dục không xả rác nơi công cộng tôi được lơ xe dạy cho từ hồi 8 tuổi ngồi xe đò Sài Gòn – Bình Dương, chứ có phải đợi qua tới Mỹ hay Pháp mới học được đâu.
Nhưng đúng là tập quán xã hội có liên quan đến nhiều thứ khác, mà giáo dục của từng cá nhân có thể bị môi trường làm biến dạng dễ dàng. Dù sao, tôi đã sống qua giai đoạn biến chuyển từ thời kỳ lơ xe nhắc nhở hành khách đừng xả rác xuống đường đến thời kỳ tài xế ép hành khách liệng đại rác ra khỏi xe đang chạy, tôi thấy sự suy hoại tập thể có quá trình hẳn hoi, chứ không đến nỗi một sáng một chiều. Nên chắc chắn giai đoạn chuyển biến tiếp từ thời kỳ rác đụng đâu xả đó đến lúc rác được bỏ vô thùng rác nhựa chắc cũng cần một quá trình. Đành phải kiên nhẫn thôi.
Thesaigontimes.vn
Categories: Tin tức