Rác thải và thiên nhiên
Rác đang là vấn đề của toàn cầu khi khó mà giải quyết nổi các loại vật liệu “khó tiêu”. Vậy là chúng đành nằm chình ình ra đấy cùng với thiên nhiên, môi trường để đợi hàng trăm năm nữa may ra mới có hy vọng trở về với “cát bụi”. Trong lúc “nằm chờ”, chúng cũng có quyền “selfie” như trào lưu của con người để cảnh báo họ rằng nếu chỉ “tự sướng” bản thân không thôi thì trái đất sẽ ngập rác.
Ngay cả những khu vực hoang sơ của thế giới cũng không thể thoát khỏi sự ô nhiễm mà con người tạo ra. Dưới bàn tay tài hoa và tâm hồn bay bổng đầy chất nhân văn, nghệ sỹ New York gốc Mexico, Alejandro Duran, đã mở ra một thế giới nghệ thuật đầy xúc cảm với những nguyên vật liệu đến từ một nơi đặc biệt: bãi rác khổng lồ ở một khu bảo tồn chính phủ.
Qua dự án được biết đến dưới tên gọi “Wash – Up” (Tạm dịch: Thanh tẩy), người xem đã được chứng kiến vẻ đẹp nguyên sơ của Sian Ka’an đã có thêm những sắc màu kỳ quái. Sian Ka’an vốn là một di sản thế giới được UNESCO công nhận với hơn 20 khu di tích khảo cổ từ trước thời Colombia, vườn quốc gia này là mái nhà chung cho rất nhiều loài thực động vật sinh sống và là nơi sở hữu rặng đá ngầm lớn thứ hai trên thế giới. Song nơi đây cũng chẳng khác gì một thùng rác của thế giới, với các chai lọ nhựa theo các dòng hải lưu từ mọi ngóc ngách của trái đất đổ về đây và biến nó trở thành một bãi rác khổng lồ.
Nằm dọc theo bờ biển xinh đẹp của đất nước Mexico là vô số những vết loang lổ của chất thải cùng sự lộn xộn của những chai lọ nhựa, nắp chai, bàn chải đánh răng, bóng đèn cùng nhiều thứ khác rõ ràng không nằm trong sự bảo vệ của Chính phủ. Cố nhiên, những địa điểm thu hút khách du lịch chụp ảnh và ngắm cảnh vẫn sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, nhưng những chỗ khác – nơi bị đánh giá là không tạo ra nhiều lợi nhuận – thường chẳng mấy khi được chú ý đến.
Từ tháng 2/2010, Duran đã có rất lần đến thăm khu bảo tồn này. Trong những lần đó, với nguồn cảm hứng từ các tác phẩm của Andy Goldsworthy và Robert Smithson, anh đã sử dụng những mảnh ghép của tự nhiên để tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh sắp đặt đầy màu sắc.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án này, Duran đã đi qua 42 quốc gia tại 6 lục địa và gom nhặt những sản phẩm nhữa bị ném bừa bãi tại khắp các bờ biển và cho ra đời những bức ảnh về “rác và thiên nhiên“ được sắp đặt dưới bàn tay của anh. Những bức ảnh này sẽ khiến người xem vô cùng ngạc nhiên về những sản phẩm bị bỏ đi của thói quen “dùng một lần“ nhiều tới mức nào và rất có thể chỉ vài năm nữa thế giới sẽ chết ngập trong những đống rác nhựa khổng lồ như vậy.
“Chân dung” muôn màu của rác được sắp đặt một cách có nghệ thuật. Để chụp lại những bức ảnh này, Duran đã sử dụng việc pha trộn giữa ánh sáng tự nhiên và nhân tạo, và làm mờ đường viền giữa những sản phẩm tự nhiên.
“Tảo xanh” như nhắc con người rằng nếu vẫn duy trì 8 triệu tấn rác thải vào đại dương mỗi năm thì hệ sinh thái đặc sắc của biển sẽ chính là những thứ như thế này (Ảnh chụp 2013).
“Hoàng hôn” (Ảnh chụp 2013).
“Biển” rồi cũng sẽ xanh như thế này.
“Măng” mọc – giao điểm căng thẳng giữa nhu cầu quá mức của con người và sự dung nạp đầy nhẫn nhịn của tự nhiên (Ảnh chụp 2014).
Những “trái dừa” (Ảnh chụp 2011).
Chiêm ngưỡng những lời cảnh báo “nghệ thuật” từ rác này, nhiều người sẽ không khỏi day dứt khi thấy rằng ý thức về rác của mỗi cá nhân đang khiến những bãi biển tuyệt đẹp hay bãi cát nên thơ không còn lãng mạn nữa. Mỗi bức chân dung rác như một lời cảnh tỉnh “ngọt ngào” đẹp đẽ nhưng đau đớn rằng, nếu không làm gì ngay từ bây giờ thì một ngày không xa, bạn sẽ phải nằm trên bờ cát với những “hạt cát” là bóng đèn, là bóng nhựa. Còn sóng biển ư, bọt trắng trắng xoá của chúng sẽ là những đợt chai lọ nhựa bỏ đi được sóng đánh ào vào bờ biển, trả lại con người những thứ rác thải mà họ nghiễm nhiên cho rằng trái đất sẽ “tiêu hoá” hộ.
“Cơn gió màu lục bích” quất qua khu rừng xanh thẳm (Ảnh chụp 2011).
Khu bảo tồn chào đón một ngày mới trong màu “rạng đông” (Ảnh chụp 2011).
“Tràn” – những dòng chảy màu sắc rải đầy dọc theo bờ biển Caribe của Mexico (Ảnh chụp 2010).
“Bọt biển” (Ảnh chụp 2011).
“Cây trang trí” giữa chốn thiên nhiên (Ảnh chụp 2011).
“Tia sáng” (Ảnh chụp 2011).
“Giọt nước” (Ảnh chụp 2011).
Hải Yến
Lưu
Categories: Tin tức