Xây dựng nông thôn mới hướng tới phát triển du lịch
Hàng năm huyện Cô Tô đón vài chục ngàn lượt khách du lịch, năm nay ước tính đón khoảng 100.000 lượt. Cả 2 xã xây dựng nông thôn mới của huyện là Đồng Tiến và Thanh Lân đều có hướng phát triển mạnh du lịch.
Vào mùa du lịch, lượng rác thải rất lớn từ các hoạt động chế biến thuỷ sản, dịch vụ, khoảng 5 tấn/ngày. Để xử lý tốt số rác thải này, đảm bảo vệ sinh môi trường, Đoàn Thanh niên huyện có sáng kiến duy trì đều đặn 2 lần/tuần (thứ 5 và chủ nhật) vệ sinh môi trường ở bãi biển thị trấn và các xã, kết hợp tuyên truyền vận động người dân, du khách bỏ rác vào thùng rác nông thôn đúng nơi quy định. Khu xử lý rác thải của huyện được xây dựng trên diện tích 3ha tại thôn Trường Xuân (xã Đồng Tiến), áp dụng công nghệ đốt rác Model EST-100S do Công ty CP Tư vấn KH&CN môi trường chế tạo, công suất tối đa 1.500kg rác/giờ. Công trình dự kiến đi vào hoạt động tháng 1-2016, đảm bảo xử lý triệt để lượng rác thải trên địa bàn thị trấn Cô Tô và xã Đồng Tiến.
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, Phòng TN-MT&NN huyện đã đưa ra các mô hình nuôi trồng sản phẩm đặc trưng, dần xây dựng thành thương hiệu của các xã; có kế hoạch thí điểm mô hình trồng khoai lang tím ở xã Đồng Tiến và Thanh Lân. Hiện các mô hình nuôi gà đồi, bào ngư, ốc hương, ốc nhảy, được thực hiện tại các xã đã và đang cho kết quả tốt…
Từ thị trấn Cô Tô mất khoảng 30 phút đi đò, chúng tôi đến xã Thanh Lân. Theo lãnh đạo xã, để phục vụ tốt việc phát triển du lịch, xã đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện, ban ngành chức năng của tỉnh và huyện mở các lớp dạy nghề cho người dân như: bồi bàn, phục vụ quầy bar, lái xe đưa đón khách. Cuối tháng 11 vừa qua, có 35 học viên đã tốt nghiệp lớp lái xe ô tô hạng B2 do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trường CĐ Nghề giao thông cơ điện Quảng Ninh tổ chức tại xã, đảm bảo cho xã có đội ngũ lái xe đưa đón khách chuyên nghiệp. Xã đã quy hoạch khu vực nuôi trồng thuỷ sản hơn 200ha để nuôi hải sâm, ốc hương, bào ngư. Mô hình nuôi bào ngư ở Thanh Lân có 4 hộ thực hiện trên diện tích 6.000m2 theo Dự án “Thử nghiệm mô hình thương phẩm bào ngư tại Cô Tô” của Bộ NN&PTNT. Anh Vương Ngọc Thiệu, một trong 4 hộ nuôi, cho biết: Anh bắt đầu nuôi từ đầu năm nay, hiện có 84 lồng nuôi với hơn 1 vạn con bào ngư, trên diện tích 2.000m2. Khi bào ngư lớn anh sẽ san, tăng số lồng nuôi. Bào ngư nuôi khoảng 1,5-2 năm sẽ cho thu hoạch.
Ở xã Đồng Tiến, mô hình nuôi gà đồi được thực hiện từ năm 2012 với quy mô ban đầu 5 vạn con, 60 hộ gia đình tham gia. Năm 2015, UBND xã Đồng Tiến phối hợp với Phòng TN-MT&NN huyện lập Dự án OCOP “Gà đồi Đồng Tiến”. Dự án có 21 hộ gia đình tham gia nuôi khoảng 7.000 con, chia thành 5 tổ nuôi ở các thôn Hải Tiến (3 tổ), Vạn Chảy, Nam Đồng, tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đồng Tiến còn phát triển rất tốt mô hình du lịch homestay, hiện có 22 hộ kinh doanh du lịch theo hình thức này, trong đó có 16 hộ đã được Phòng VH-TT huyện công nhận là đạt chuẩn mô hình homestay.
Đến nay 2/2 xã của huyện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với 37/37 chỉ tiêu, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đạt cao, như: 98,3% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm 2014; 100% người tham gia bảo hiểm y tế; 100% các tuyến đường liên thôn ngõ xóm được bê tông hoá; chỉ còn 0,49% số hộ nghèo. Để xây dựng nông thôn mới bền vững, thời gian tới huyện tập trung “Củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí”; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường bằng việc trang bị thêm nhiều thùng rác nhựa công cộng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và văn hoá; nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất; phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp gắn với du lịch…
Nguồn: baoquangninh
Categories: Tin tức