Ý thức vệ sinh môi trường của học sinh
Vì sao giới trẻ nhất là các bạn học sinh có ý thức rất kém nơi công cộng, vô tư ăn uống rồi vứt rác xuống đường, trong trường học. Hầu hết các trường Trung học bây giờ đều được xây dựng khá khang trang hiện đại. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là, dù yêu trường đến đâu nhiều teen vẫn quen với việc vô tư xả rác khắp nơi. Từ sân trường đến hành lang lớp học và nhất là trong… ngăn bàn.
Tôi cho rằng cá nhân các em được hình thành nhân cách cốt lõi từ gia đình, bố mẹ chỉ mải chạy theo bảng điểm của con cái mà lãng quên, thờ ơ với việc giáo dục con mình cách cư xử, nếp sống thanh lịch cần có. Người lớn quay cuồng trong cuộc chạy đua cơm áo gạo tiền, trẻ con quay cuồng với lịch học dày đặc. Những việc nhỏ như dạy con biết giữ vệ sinh chung, nói năng lễ phép trở thành việc vô bổ, phí thời gian của bố mẹ.
Chẳng cứ đâu xa, ngay nơi tôi ở nhất là với những gia đình trẻ, bố mẹ mải mê đi làm nên việc dạy con biết ý thức trở nên xa lạ. Có ông bố còn dạy con một cách khá vô tư “nhà con phải giữ sạch, còn ra ngoài thì con cứ việc mặc kệ”.
Thế mới có chuyện, nhà anh này trồng cây sấu để lấy bóng mát, anh chị quét ngõ xong cứ vun đống lá to tướng trước cổng nhà tôi mà không hề thấy chướng mắt, để mặc một hai hôm vẫn thấy đống lá càng thêm to và muỗi dịn bay vo ve xung quanh, tôi bèn hót đổ đi.
Hai đứa con anh chị đều tuổi đi học nhưng ăn uống hay vứt bừa phứa ra ngõ đi chung, có lần bực quá tôi sang nhắc nhở thì chị có vẻ không hài lòng.
Lạ một điều, nếu ai đã từng vào nhà anh chị chơi đều tấm tắc khen nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, các cháu chào hỏi lễ phép.
Chị hàng xóm nhà tôi rất dị ứng với việc ai chê con mình. Có lần một chị vẫy chị lại kể chuyện con giai tụ tập với mấy bạn cùng khu, nói tục chửi bậy đến phát khiếp thế là chị tỏ thái độ tự ái ra mặt.
Vậy là con trai chị càng tự tung tự tác vì không sợ ai mách tới tai bố mẹ, cháu chỉ ngoan ở nhà còn đến trường lớp thì nghịch ngợm, a dua chúng bạn trốn học, chơi game.
Tôi dành khá nhiều thời gian quan sát và nhận thấy “chân lý” nực cười khi nhiều người cho rằng việc giữ vệ sinh nơi công cộng không phải việc của họ.
Một nhà nuôi chó, cứ không để ý là chú chó xổng ra ngoài và “bậy” ngay ra lối đi chung. Ai đi qua cũng nhăn mặt, bịt mũi và bước thật nhanh.
Tôi có con nhỏ hay chạy ra ngõ chơi, không muốn con mình dẫm vào chỗ bẩn, tôi nhanh chóng dọn dẹp. Kẻ qua người lại cứ thản nhiên bởi không phải việc của mình.
Thỉnh thoảng tôi dành nửa giờ quét sạch ngõ xóm, gom rác đi đổ và rủ con trai làm cùng mình. Cháu nhăn nhó khó chịu và mẹ thì nhanh trí treo ngay phần thưởng cho chơi máy tính nửa tiếng. Vừa làm, tôi vừa giải thích cho con vì sao phải giữ vệ sinh chung sạch sẽ.
Có người còn trêu đùa tôi “hôm nay cô lại làm lao công đấy à?” Tôi chỉ cười xòa và không giải thích gì thêm. Nếu ai cũng sợ thiệt, dù chỉ vài phút dọn dẹp thì cái ngõ xóm chung ấy lúc nào cũng bẩn thỉu vì rác rưởi, đất cát.
Tôi luôn dạy các con phải giữ sạch sẽ dù ở bất cứ đâu. Đến công viên vui chơi, bố mẹ làm gương cho con khi nhắc con bỏ rác vào thùng rác chứ không bạ đâu vứt đấy.
Con học đòi các bạn cũng nói tục nói đệm nói trống không, tôi đều kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh con.
Ngay cả việc nhiều bố mẹ rát cổ bỏng họng khi con đắm chìm vào game cũng bởi một lý do họ để con nhàn rỗi quá sinh hư hỏng, lêu lổng.
Sao không giao ngay việc nhà cho con làm để con biết giá trị của lao động là như thế nào, việc nấu một bữa cơm ngon đâu phải chuyện dễ dàng?
Con trai tôi học lớp 3, cứ ngày cuối tuần là được mẹ nhờ nhặt rau, quét nhà, gấp quần áo, có hôm con còn ngồi hì hục cắt râu tôm cả giờ đồng hồ để mẹ làm món tôm đồng rang. Hôm đấy, con ăn cơm hào hứng và chợt bảo “Mẹ ơi, mẹ đi làm vất vả quá”.
Categories: Môi trường