Hà Nội có quá nhiều rác

Trung bình một ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội xả ra bao nhiêu rác? Con số đó có lẽ vô cùng lớn. Rác ở khắp nơi, từ rác dân sinh đến các loại phế thải xây dựng, thậm chí cả rác thải chuyên ngành nguy hại…

Đáng lo ngại nhất, loại “rác” nằm trong nếp sống cư dân – sự tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm với chính không gian sống của mình – đang hằng ngày, hằng giờ làm ảnh hưởng tới bộ mặt thành phố. Vệ sinh môi trường kém, một trong những tiêu cực của quá trình đô thị hóa, không chỉ khiến Thủ đô không “xanh, sạch, đẹp” mà còn là vấn đề bức xúc về “sức khỏe đô thị”.

rac-thai-o-ha-noi

Lượm lặt của Philippe
Philippe Lebouvier, một người Pháp, đang theo học võ cổ truyền tại Hà Nội. Mỗi năm vài tháng ở đây, Philippe thường tận dụng thời gian để hít hà cái mà anh gọi là “hơi thở Hà Nội” từ trong ngõ ngách đến nhộn nhịp phố xá bên ngoài. Hà Nội đẹp, với nhiều ấn tượng: những hàng cây xanh rợp bóng, những hồ nước nhỏ xinh, những hẻm ngách với cuộc sống đặc trưng. Tiếc một điều, Hà Nội quá nhiều rác.

Một bữa, đang rảo bước trên phố Lê Thái Tổ, mải ngó nghiêng, Philippe giật mình khi đá phải một túi rác trên vỉa hè. Ngay cạnh đó là một chiếc thùng rác công cộng. Còn dạo quanh Hồ Gươm, không ít lần anh ngạc nhiên thấy người dân ung dung thả vỏ đồ ăn, giấy… – nói ngắn gọn là rác – cạnh thùng rác nhựa công cộng. Đấy là con phố trung tâm và điểm trung tâm của Hà Nội. Trên những con phố khác “bớt” trung tâm hơn, rác càng bừa phứa, la liệt, từ rác sinh hoạt đến phế thải xây dựng. Có lần anh đã gần như “phanh” khựng lại bởi suýt dẫm phải bơm kim tiêm. Ở Hà Nội lâu, anh đủ thông tin để hiểu “chủ nhân” của nó là ai!

– Những ấn tượng của Hà Nội thật đẹp, còn những cái chưa được cũng thật kinh hoàng – Philippe kết luận. Anh mới tập hợp các lượm lặt về rác trong cái cẩm nang nho nhỏ hỗ trợ bạn bè khi đi du lịch Hà Nội, đặc biệt là thứ sặc mùi đe dọa: kim tiêm.

Nỗi khổ nhà hai mặt ngõ
Ở Hà Nội, nhà ken nhà nên nếu may mắn có được địa thế hai mặt thoáng thì đúng là không gì bằng. Nhưng với những chủ nhân hai ngôi nhà số 183, 185 phố Hoàng Văn Thái (và cả những nhà lân cận ở quận Thanh Xuân) thì lợi thế trên quả thật… kinh hoàng. Ban đầu, mỗi sáng mở mắt ra, gia chủ được “tráng miệng” bằng một hai túi rác bên hông nhà. Đến trưa, một hai túi đã trở thành đống. Các vị hàng xóm tốt bụng và người lai vãng không ngừng tra tấn khổ chủ. Cực chẳng đã, chủ ngôi nhà 183 phải cho người khác thuê làm… cửa hàng. Còn giờ, thay vì bị “rác tặc” khủng bố từ sáng đến chiều, những ngôi nhà này chỉ phải “chịu đựng” một lần lúc cuối giờ chiều do ngõ đã được trưng dụng làm điểm tập kết của công ty môi trường. Dù sao cũng may mắn chán.

Theo các con số thống kê khác nhau (chênh lệch không đáng kể), trung bình một ngày, các cơ quan, đơn vị, người dân Hà Nội xả ra khoảng 6.000 tấn rác. Những nguy cơ đối với sức khỏe người dân và môi trường đô thị không chỉ hiện hữu mà còn đầy đe dọa về lâu dài khi số chất thải khó phân hủy, chất thải nguy hại… ngày một nhiều hơn. Người dân có thói quen tùy tiện. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xây dựng… bất chấp tất cả, miễn là “hiệu quả kinh tế”. Không chỉ phố to mà cả phố nhỏ, không chỉ nội thành mà cả ngoại thành Hà Nội đều tràn lan rác.

Cách đây chưa lâu, khi được cải tạo, xây kè, dù nước còn đen ngòm song sông Tô Lịch ít nhiều cũng khiến người dân Hà Nội lạc quan về sự hồi sinh, dầu chậm chạp, của dòng sông nổi tiếng một thời. Nhưng giờ thì dường như chỉ những bờ kè là còn nguyên vẹn. Rác lại hoành hành dọc hai bên bờ sông. Nhiều đoạn, rác ùn lại thành đống, từ phế thải xây dựng đến đủ loại rác dân sinh như túi nilông, thùng đựng, các đồ gia dụng qua sử dụng… Dọc đường Kim Giang, có chỗ lòng sông đặc sánh và như một… dòng sông rác. Sự lạc quan biến mất. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vừa mới đây thôi. Khi ấy, hưởng ứng phong trào “Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”, nhiều đợt thi đua trên nhiều địa bàn đã được triển khai. Tất cả cho mục tiêu “gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô”. Nhưng giờ, đâu lại vào đấy. Trong khảo sát trực tuyến “Bạn có cảm nhận gì về môi trường ở thành phố Hà Nội?” của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội kéo dài từ giữa năm 2007 đến nay (số liệu tạm tính đến ngày 5-5-2011), 82,7% ý kiến nhất trí với nhận xét “ô nhiễm nặng và rất bẩn”, 12,7% lạc quan hơn khi cho rằng “hơi bẩn một tí nhưng có thể sống tạm được”. Thật ngạc nhiên khi có tới 2,7% khẳng định “trong lành, khí hậu dễ chịu”(!).

Câu chuyện… nhiều tập
Trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Báo Hànộimới đã mở chuyên mục tuyên truyền góp phần quan trọng cùng thành phố thực hiện phong trào “Người Hà Nội quyết tẩy trừ tệ vứt rác ra đường”. Liên tục trong nhiều tháng, trên báo có các bài viết, chuyên mục, đường dây nóng phản ánh những nơi làm chưa tốt, chỉ hưởng ứng phong trào kiểu đánh trống, bỏ dùi; kịp thời biểu dương những điển hình, những cách làm hay để giữ gìn vệ sinh chung của thành phố. Theo đánh giá của bạn bè trong nước và quốc tế, dịp Đại lễ, Hà Nội xanh, sạch hơn rất nhiều. Nhưng đáng tiếc, sau Đại lễ, mọi chuyện dường như đang có nguy cơ trở lại “vạch xuất phát”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cũng đánh giá: Dịp Đại lễ là “đỉnh cao” về vệ sinh môi trường thành phố. Nhiều tuyến đường, tuyến phố phong quang, sạch sẽ. Còn giờ là… đi xuống. Đấy là sự thực.

Ông Hòa phàn nàn, giờ “sinh hoạt đã quay trở lại” nhịp sống bình thường. Công ty, người lao động đối mặt với nguyên vẹn những khó khăn ngày trước. Các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình lớn đang là điểm nóng về phế thải. Nhiều tuyến phố bị tập kết vật liệu bừa bãi. Trong khi đó, do điều kiện cơ sở hạ tầng chật chội, cơ số đất dành cho vệ sinh môi trường bằng không. Do phụ trách các “quận lõi”, công ty cũng không có điểm thu gom rác tập trung nào. Đã thế, chế tài xử phạt người xả rác bừa bãi, dù có song “để đi vào cuộc sống thì lại còn nhiều khó khăn”…

Chỉ riêng 15 ngày phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, dự kiến Urenco phải tiếp nhận, xử lý hơn 76 nghìn tấn rác, thu dọn vận chuyển 15 nghìn tấn đất thải, quét hút bụi hơn 4.000km đường phố… – Nếu ý thức người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được cải thiện thì không sức nào mà làm – ông Hòa nói.

Bảo đảm vệ sinh môi trường Hà Nội đã trở thành câu chuyện… dài tập, phức tạp và đầy bức xúc như nhiều lĩnh vực khác đang vướng phải như trật tự xây dựng, ách tắc giao thông, thoát nước… Quản lý rác thải ở Hà Nội, nói rộng ra là cả nước Việt Nam, đang gặp quá nhiều thách thức. Theo bản công bố Chỉ số thành phố xanh châu Á (xét theo 8 tiêu chí, trong đó có quản lý rác thải) được công bố hồi đầu năm nay tại Singapore, Hà Nội đạt… dưới mức trung bình. Duy nhất thành phố Karachi của Pakistan bị xếp hạng quá thấp dưới trung bình. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, giờ đã là tương đối muộn để Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, có quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải nguy hại, nhằm cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Ông Hòa lại nhìn nhận mọi chuyện không hề đơn giản: “Có quá nhiều việc phải làm cùng một lúc. Trước hết phải tuyên truyền, vận động nhằm cải thiện ý thức người dân, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Mặt khác, cần phải có chế tài xử lý nghiêm sai phạm”.

Trên thực tế, chế tài đã có. Điểm thắt nút ở chỗ người xử lý chưa rõ ràng: chính quyền phường hay lực lượng nào khác được phép? Ông Hòa đề xuất, cần quy định rõ điểm này, đồng thời, nên có cơ chế về mặt tài chính cho “lực lượng thực thi chế tài”.

Cũng trong bản công bố Chỉ số thành phố xanh châu Á, Singapore xếp hạng đầu.

Bao giờ Hà Nội được như Singapore? Câu trả lời chắc chắn là còn lâu, thậm chí là “Không bao giờ” khi loại rác nằm trong nếp sống cư dân – sự tùy tiện, cẩu thả, thiếu trách nhiệm với chính không gian sống của mình – vẫn đang bùng phát.

Rất nhiều lần khi trò chuyện, Philippe Lebouvier, anh bạn người Pháp của tôi,
tặc lưỡi:

– Hà Nội có quá nhiều ấn tượng đối với du khách. Tiếc một điều, Hà Nội quá nhiều rác.

Categories: Môi trường

CÔNG TY CỔ PHẦN TM & DV HÀNH TINH XANH TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 524 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 024 7307 5955
CHI NHÁNH PHÍA NAM
Địa chỉ: 167/2 đường Bờ Bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Tel: 028 7307 5955