Những nỗi niềm đầy nước mắt của nghề lao công
Màn đêm của tiết trời “rét nàng bân” khắc nghiệt với gió buốt, mưa phùn. Đường phố nhộn nhịp ban ngày giờ vắng tanh, nhường lại sự yên tĩnh cho tiếng chổi tre lạo xạo với ngổn ngang rác thải. Nghề lao công vẫn được biết đến là nghề cực nhọc nhất, nhưng đồng lương cũng bèo bọt nhất. Đằng sau lớp áo bảo hộ đọng lại bao nỗi niềm chan nước mắt không phải ai cũng thấu hiểu.
Đằng sau hình ảnh quen thuộc này là biết bao nỗi niềm trăn trở
Lao công – một nghề vất vả và nguy hiểm
Dù ngày nắng gắt hay đêm mưa tầm tã, những đống rác ngổn ngang, mùi hôi thối, uế tạp, chiếc xe rác nặng, chiếc mai sắt dài, chổi tre, những giọt mồ hôi chảy dài, chiếc áo bảo hộ sờn rách… đó là những hình ảnh về công việc vất vả của người lao công hằng ngày vẫn cần mẫn quét dọn từng hẻm nhỏ, từng đường lớn. Nhưng có lẽ đó vẫn chỉ là những điều “mắt thấy”, còn chuyện “tai nghe” thì chưa mấy ai rành.
Bác T. (50 tuổi, nhân viên Công ty TNHH MTV T.Đ) đã gắn bó với công việc lao công suốt 17 năm ròng. Bác nhắc đi nhắc lại, viết gì thì viết, tuyệt đối không được nói tên thật và chỗ bác làm ra, “chứ tôi chả biết lên bài lên báo thế nào, có thông tin gì không hay người ngoài chỗ làm “đì” tôi chết, mất việc như chơi”. Hôm nay bác được phân công làm đoạn đường từ chợ lên đến trụ sở công an, gần 4 cây số. Trời mưa phùn ẩm ướt, lá cây dính chặt dưới đường nên công việc quét dọn trở lên khó khăn hơn, bùn đất bám đầy đôi ủng đã cũ. Trời lạnh mà bác T. chỉ mặc có một chiếc ảo mỏng và khoác bảo hộ bên ngoài. Chiếc áo bắt đầu thẫm nước, không biết do ngấm mưa hay những giọt mồ hôi thi nhau chảy sau 3 tiếng dọn dẹp không nghỉ.
Công việc lao công được chia thành nhiều ca, tùy theo từng ca để phân giờ nghỉ ăn. Như ca bác T. đang làm là từ 13h đến 23h, có 2 tiếng nghỉ ăn tối. Bác kể, cả 1 ngày lăn lộn ngoài đường, tiếp xúc với đủ mùi rác thải nên lắm hôm về nhìn cơm không muốn ăn nữa. Đi tắm, đi ngủ mà vẫn như còn ám mùi rác trên người. Thêm nữa, bệnh tật tiềm ẩn từ công việc độc hại khiến lúc nghỉ ngơi không hề dễ chịu. Đau nhức khắp cơ thể là chuyện bình thường, còn những bệnh thường xuyên phải đi viện khám định kì là viêm khớp, viêm mũi, nặng hơn là viêm phế quản. “Ai có điều kiện thì đi khám thường xuyên, ai không có thì phải phó mặc thôi cháu ạ, đến đâu thì đến. Có việc mà làm là tốt rồi.”
Bên cạnh những vất vả, cực nhọc, nghề nghiệp này cũng không tránh khỏi những nguy hiểm và “tổn thất”. “Ai làm ca đêm thì không phải sợ mưa gió hay xe cộ đi lại ẩu đâu cháu, mà chỉ sợ mấy thanh niên “ngáo đá” hay “sida”. Nó ra hỏi đểu mấy câu rồi xin vài ba nghìn để mua thuốc là đã bủn rủn cả người rồi. Thôi thì cho nó mươi nghìn cho xong, đi làm chẳng ai dám cầm quá 50 nghìn trong người cả.” Vừa lau vội giọt mồ hôi thấm trên mắt, bác T. giọng trầm buồn tiếp lời: “Hôm trước có cô đi làm bị trộm mất cái xe đạp, rõ khổ. Nhà thì xa lại còn con ăn học. Cả nhà dùng chung cái xe, giờ đi lại càng khó khăn.”
Đồng lương và cái nhìn của người đời
Công việc dầm mưa dãi nắng, hằng ngày tiếp xúc với những thứ uế tạp nhất nhưng đồng lương lại chẳng được bao nhiêu. “Tháng làm đủ 30 công thì được hơn 4 triệu, trong đấy mỗi ngày được trợ cấp 20.000 tiền ăn và 10.000 tiền độc hại. Nhưng làm cái nghề này thì cũng phải đi viện khám suốt, còn mấy miệng ăn ở nhà nữa, chẳng thấm vào đâu”. Ở nhà, bác trai bị đủ mọi thứ bệnh: tiểu đường, viêm phổi… không làm thêm được gì; 2 con đang tuổi ăn học, bệnh viêm phế quản hành hạ bác ngày đêm… Nhẩm tính hơn 4 triệu ấy có lẽ chỉ đủ tiền thuốc thang và học hành 2 đứa nhỏ, còn bữa ăn chắc chỉ rau cháo cho qua ngày.
Tuy vậy, giá trị đồng lương không phải điều mà bác T. trăn trở, cái làm bác thấy buồn là thái độ và hành xử của người đời với nghề lao công. “Thời buổi này nhiều người vẫn còn xem thường công việc này lắm cháu. Có lần bác đang hót rác ở gần trường cấp 1, có đứa trẻ con đi qua hỏi mẹ nó sao bác này lại động vào rác thế kia, mà bác không nghĩ cô đấy lại trả lời: “Con mà học dốt sau này cũng đi quét rác, hót phân như người ta đấy, nhục lắm con ạ!”. Lại có lúc vừa hì hục dọn xong cả đoạn đường mà mấy cô cậu thanh niên đi qua ném toẹt cái vỏ bánh xuống đường, thùng rác công cộng ngay cạnh đấy, nhắc được câu thì chúng nó quát: “Thế bà đứng đấy làm cảnh à?”, rồi phóng xe đi mất. Lắm người đứng đổ rác đứng gần mình mà chun mũi, liếc xéo như đứng gần dịch vậy cháu, cũng biết mình chẳng sạch sẽ gì nhưng tỏ thái độ thế dễ làm người khác chạnh lòng quá.”
Con đường gần 4km đã đi qua mới nhấp nhổm toàn rác giờ đã sạch trơn, tiếng chổi tre rào rạo vang lên, tiếng mai sắt đập vào nền đất lạch cạch cả một góc đường. Bóng dáng người nữ lao công đang khuất xa dần, nhỏ bé và heo hắt, tiếng bác còn văng vẳng: “Chỉ mong con cái nó hiểu nỗi khổ của cái nghề này, học hành giỏi giang, đi làm công việc khá hơn để không bị mọi người cười chê bai là thấy an ủi lớn nhất rồi!”
Nguồn: Diệu My
Categories: Môi trường