Chuyện những người làm sạch đẹp Hồ Gươm

Mang những giá trị đặc trưng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hồ Gươm luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân tới Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, mỗi góc nhỏ của danh thắng này còn có bao điều mới mẻ, thú vị khác để khám phá và chiêm nghiệm… Câu chuyện về những người trẻ tự nguyện nhặt rác, làm sạch cảnh quan Hồ Gươm vào mỗi ngày chủ nhật là một ví dụ như thế!

“Mỗi chủ nhật, một vòng hồ”

Có rất nhiều lý do để tìm đến Hồ Gươm vào những ngày rảnh rỗi. Một buổi gặp gỡ bạn bè, vài giờ rèn luyện thể thao hay những phút giây tĩnh lặng dâng hương, vãng cảnh… Với những bạn trẻ trong Hội Nhặt rác Hồ Gươm (Câu lạc bộ tình nguyện Trẻ), những giờ hò hẹn tại địa điểm này, còn xuất phát từ một tâm nguyện đặc biệt khác: Giữ sạch cảnh quan Hồ Gươm, dẫu chỉ một ngày. Mong muốn đó được họ chuyển thành hành động, duy trì bền bỉ đã nhiều năm qua, bất kể nắng, mưa, giá rét. “Mỗi chủ nhật, một vòng hồ”, lời mô tả giản dị của Đỗ Công Huấn, Trưởng nhóm nhặt rác Hồ Gươm, đã phần nào phác họa nên công việc mà các thành viên trong Hội đang gắn bó.

Ngày chủ nhật của các thành viên Hội Nhặt rác Hồ Gươm.

Đỗ Công Huấn chia sẻ: “Trải qua bao thăng trầm, những giá trị văn hóa – lịch sử, vẻ đẹp cảnh quan của Hồ Gươm vẫn vẹn nguyên sức hấp dẫn, thu hút người dân khắp nơi về đây khám phá, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết yêu, biết trân trọng không gian chung ấy, mà biểu hiện rõ nhất là thói quen xả rác vô tội vạ. Nếu để ý, mọi người sẽ thấy càng đông người tập trung ở đây, rác thải càng nhiều, càng đa dạng. Rác bị bỏ lại trên đường đi, trong các khóm hoa, bãi cỏ… thậm chí bị ném thẳng xuống hồ. Mong muốn Hồ Gươm sạch đẹp, thân thiện và yên bình, chúng em lập Hội Nhặt rác Hồ Gươm, cứ chủ nhật hằng tuần lại tập trung, rồi chia nhóm cùng nhau dọn sạch rác mà người dân bỏ lại… Công việc của nhóm khá đơn giản. Đầu mỗi tuần, chúng em nhắn nhau qua trang mạng xã hội của nhóm để biết số thành viên tham gia, để phân nhóm, chia khu vực hoạt động. Trong quá trình làm việc, các thành viên thu gom và phân loại rác để bảo đảm không bỏ qua những vật liệu có thể tái chế. Những vật liệu này sẽ được chuyển về xưởng “Thị trấn que kem”, một hoạt động khác của Hội Nhặt rác Hồ Gươm, từ đó chế ra các sản phẩm thủ công như đồ lưu niệm, dụng cụ học tập… để bán, gây quỹ”.

Nghe qua, nhiều người nghĩ công việc này vất vả và cũng khá nhàm chán, thực tế đã có không ít nhận xét: Bọn trẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi”, a dua theo phong trào, chẳng mấy chốc mà bỏ cuộc. Thế nhưng, kể từ khi “khởi nghiệp” (tháng 3-2011) đến nay, Hội Nhặt rác Hồ Gươm vẫn duy trì đều đặn lịch làm việc và chưa có biểu hiện “thoái trào”. Trái lại, số thành viên đăng ký tham gia làm “Racer” (Người nhặt rác) còn tăng lên so với những năm đầu. Nhiều bạn đã có mặt từ những ngày đầu thành lập Hội, nhiều người khác, bị hấp dẫn bởi câu chuyện của bạn bè mình, cũng hăng hái đăng ký tham gia rồi theo từ đó tới nay. Trả lời cho câu hỏi “Nhặt rác có gì vui?”, Trần Khánh Huyền, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, mỉm cười: “Em nghĩ, chỉ riêng ý nghĩa của công việc đã đủ khiến người tham gia thấy hào hứng rồi. Thêm quá trình làm việc cùng nhau, thấy hợp vì cùng chung một mục đích, một mối quan tâm nên thấy càng gắn bó hơn. Giờ làm việc không đơn thuần chỉ là nhặt rác mà còn có những cuộc đua nho nhỏ như thi xem đội nào nhặt được nhiều rác hơn, nhiều đồ tái chế hơn… Kết thúc mỗi buổi làm việc, mọi người lại tập trung cùng nhau đi ăn kem, uống nước, làm đồ tái chế rất vui. Thực tế, có những buổi không thể tham gia, bản thân em thấy tiếc và nhớ”.

Và ước mơ nhân rộng mô hình

Một buổi làm việc của Hội Nhặt rác Hồ Gươm bắt đầu từ 16h vào mùa hè và 15h khi trời chuyển lạnh. Tại điểm tập trung là tháp Hòa Phong, các thành viên nhanh nhẹn chia nhau găng tay, túi rồi bắt đầu nhập cuộc, tìm rác. Có đủ loại rác thải bị vứt ra ở đây và mỗi thành viên đều phải cần mẫn, tỉ mỉ để không bỏ lọt. Nhiều lúc, họ phải cúi gập người xuống gầm ghế đá, len qua các bụi cây, vạt cỏ, để lôi ra những vỏ hộp bánh kẹo, chai nước suối, túi ni lông… quăng lăn lóc ở đó từ bao giờ.

Nguyễn Thị Thu Vân, sinh viên Đại học Phương Đông kể: “Đã vào việc là không ai ngại bẩn thỉu hay vất vả. Thế nhưng, rất nhiều người, khi gặp chúng em, đều nhìn với ánh mắt lạ lẫm, ngờ vực. Không ít người còn giật tay, hỏi thẳng: “Mấy đứa được thuê nhặt rác theo giờ hay phải đi làm để đổi điểm cho thầy?”. Có người lại khuyên nhủ: “Về nhà mà lo học hành, kiếm tiền! Làm thế này khác gì dã tràng xe cát, ích lợi gì đâu”. Những lúc đó chúng em chỉ cười vì thấy mọi người chưa hiểu đúng việc chúng em đang theo đuổi. Có thể việc nhặt rác là vô ích khi vẫn có hàng chục, hàng trăm người xả rác quanh đây mỗi ngày, lượng rác thải ra gấp trăm lần số chúng em vừa dọn. Nhưng mục đích mà chúng em hướng đến không chỉ là nhặt rác Hồ Gươm mà còn mong qua hành động này của Hội, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn vệ sinh chung”.

Cũng có những băn khoăn: Hồ Gươm sạch rác một ngày chủ nhật, còn những ngày khác thì sao? Thậm chí không thiếu những phút nản lòng vì những nơi vừa được dọn dẹp sạch sẽ, lúc quay về rác đã vương đầy. Tuy nhiên, mọi thành viên đều biết cách động viên, khích lệ nhau để không từ bỏ công việc mình đang thực hiện. “Đó có thể là câu chuyện một bé gái, sau khi uống nước, biết cầm trên tay chờ cho đến khi tìm thấy thùng rác hay một cậu bé, lẳng lặng nhặt mẩu giấy bố em vừa vứt xuống, bỏ vào đúng nơi quy định… Những mẩu chuyện nho nhỏ như vậy, khiến chúng em thấy phấn chấn, hạnh phúc hơn như đó là một kết quả từ công việc mà chúng em đang làm vậy!” – Nguyễn Thị Thu Vân tiếp lời.

Nói về những dự định, ước mơ của Hội, Trưởng nhóm Đỗ Công Huấn, chia sẻ: “Điều tất cả thành viên trong Hội mong muốn và quyết tâm thực hiện cho bằng được là Hồ Gươm sẽ không còn rác. Về lâu dài, Nhóm còn nuôi tham vọng là mở rộng hoạt động, sẽ không chỉ làm sạch cảnh quan các hồ trong thành phố mà còn cả những điểm vui chơi công cộng khác. Nhưng điều quan trọng nhất mà Hội hướng tới, không phải là dọn sạch một đoạn đường cụ thể, mà là kêu gọi mọi người cùng nêu cao ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường cho thành phố thân yêu”.

Đến từ nhiều nơi khác nhau, làm những công việc khác nhau nhưng các thành viên Hội Nhặt rác Hồ Gươm đều có chung một tình yêu dành cho Hà Nội, cho Hồ Gươm cùng ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống. Đây cũng chính là mối ràng buộc, gắn kết họ, những cá nhân xa lạ, suốt nhiều năm qua, để mỗi dịp cuối tuần, họ lại tìm về bên nhau, bền bỉ chung tay vì một ước mong giản dị: Hồ Gươm không còn rác.

Thanh Thủy

Categories: Môi trườngTiêu điểm

CÔNG TY CỔ PHẦN TM & DV HÀNH TINH XANH TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 524 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 024 7307 5955
CHI NHÁNH PHÍA NAM
Địa chỉ: 167/2 đường Bờ Bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Tel: 028 7307 5955