Sau đêm giao thừa là cảnh đường phố ngập rác

Như đã thành… “thông lệ”, cứ sau mỗi dịp hội hè, lễ lạt, trên mặt báo chí lại nổi lên cụm từ đáng xấu hổ: “ngập rác”, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai đô thị lớn đồng thời cũng có thể coi như “gương mặt” của đất nước.

duong-pho-ngap-rac-sau-dem-giao-thua

Năm nay cũng vậy, ngay ngày đầu tiên của năm mới, trên báo Dân trí đã có bài “Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngập rác sau chương trình chào đón năm mới”. Bài báo cho biết, từ đêm 31/12 đến rạng sáng 1/1/2017, rất đông người dân TPHCM đã tập trung về phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) để chào đón năm mới. Sau khi chương trình đếm ngược đón năm mới kết thúc, hàng nghìn người dân đã “vô tư” kéo nhau ra về, để lại vô vàn các loại rác thải, khiến phố đi bộ đẹp nhất Sài Gòn trở nên thật “nhếch nhác”…

Song, nhìn vào những tấm ảnh mới thật “hoảng sợ”. Trong khi từng đám nam thanh, nữ tú quần áo sang trọng và chắc chắn có cả mùi phấn son, nước hoa thơm nức nở thì dưới chân họ, là ngổn ngang rác và rác. Và xót xa hơn, khi nhìn bức ảnh những chiếc thùng đựng rác của công nhân vệ sinh quá tải, chất cao chất ngất.

Chợt nhớ lại câu chuyện đọc ở đâu đó, rằng có một người Nhật nói với một người bạn Việt Nam: “Chúng mày không yêu đất nước mày à?”. Quá ngạc nhiên, người bạn Việt Nam nói: “Chúng tao có cả mấy ngàn năm giữ nước, sao mày lại nói vậy”. “Đất nước như căn nhà của mình. Yêu đất nước, tại sao chúng mày vứt rác vào căn nhà căn mình?”. Một câu nói giản dị, một quan điểm giản dị của một người bạn ngoại quốc rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Việc những người ngoại quốc gián tiếp hoặc cả trực tiếp tham gia dọn rác ở ta không phải là hiếm. Đã hơn một lần, họ (những vị khách) đến nhà, thấy gia chủ bừa bộn quá, “rác rưởi” quá nên bỏ qua cả sự tế nhị thông thường, trực tiếp ra tay dọn rác mà hình ảnh mấy ông Tây móc cống ở phổ Nguyến Khang (Hà Nội) ngày nào là chuyện tiêu biểu.

Cách đây mấy tháng (5/2016), có mấy ông Tây ở một nước tận tít bên kia bán cầu (Mỹ) đến sống ở Hà Nội. Vì yêu quý, trân trọng mảnh đất ngàn năm văn vật, với những con người Tràng An thanh lịch nên ban đầu chỉ là đi du lịch, chàng trai James Joseph Kendall có ý định gắn bó lâu dài với mảnh đất giàu truyền thống văn hiến này.

Thế nên một ngày đẹp trời, James cùng với nhóm bạn của mình đến kênh nước bẩn trong ngõ 381/55/4 Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) để cùng nhau dọn dẹp. “Trước đó, tôi có đi qua đây và thấy nó rất bẩn nên quyết định phải làm điều gì đó. Tôi có kể cho một vài người bạn nghe về ý tưởng của mình và họ đều vui vẻ ủng hộ. Ban đầu, nhóm của tôi chỉ có vài người tiến hành dọn dẹp nhưng sau đó thì người dân ở xung quanh cũng bắt đầu ra nhặt rác giúp. Lúc sau nữa thì có thêm một nhóm các bạn mặc áo xanh tình nguyện mà tôi đoán là họ thuộc đoàn thanh niên địa phương. Họ cũng đeo ủng, lội mương, vớt rác cùng chúng tôi”. Chàng trai người Mỹ kể.

Thế nhưng hình như lòng tốt của anh bi “lệch nhip”. Chính quyền nơi đây cho rằng họ đã vớt rác mà không xin phép, tức là không “đúng qui trình”… Thôi, chuyện cũ đã qua, năm mới nói chuyện mới vậy.

Ấy là năm nay, Hà Nội chọn chủ đề là “Năm kỷ cương hành chính” nhằm nâng cao tính văn hóa, truyền thống thanh lịch của mình, Hà Nội cũng chuẩn bị ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho người dân và quy chế ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là ý tưởng rất hay vì khi có con người “sạch” sẽ phải sống trong “căn nhà” sạch. Cũng mong rằng mỗi người dân hãy nâng cao tính văn hóa, truyền thống thanh lịch để không chỉ Thủ đô mà tất cả các địa phương trong cả nước thật sự “văn hóa và thanh lịch”, để trên các mặt báo, tên các địa phương sẽ không còn đi cùng hai từ “ngập rác”, phải không các bạn?

Categories: Du lịchMôi trườngTin tức

CÔNG TY CỔ PHẦN TM & DV HÀNH TINH XANH TRỤ SỞ CHÍNH
Địa chỉ: 524 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 024 7307 5955
CHI NHÁNH PHÍA NAM
Địa chỉ: 167/2 đường Bờ Bao Tân Thắng, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM.
Tel: 028 7307 5955